ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay: Tôi tôn trọng nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhưng đây là vấn đề động chạm nên cần minh bạch và rõ ràng.
|
Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với PV Pháp luật Plus. |
Vì sao tôi đến chùa lại phải trả tiền?
Việc thu phí tham quan Yên Tử được người dân hết sức quan tâm khi chỉ còn không đầy tuần nữa là Lễ Giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông và Lễ hội Xuân Yên Tử đang đến gần. Liên quan tới vấn đề này, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của PV Pháp luật Plus, về việc HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết thu phí tham quan vãn cảnh Danh thắng Yên Tử, nhiều người cho rằng, đây là khái niệm mập mờ.
Bởi Yên Tử là kinh đô Phật giáo Việt Nam, nơi người dân đến thắp hương lễ phật, chứ đây không phải nơi vãn cảnh như các khu danh thắng khác?
|
HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua việc thu phí Yên Tử. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay: Trước tiên tôn trọng HĐND tỉnh Quảng Ninh, vì đó là đại diện cho lợi ích của người dân địa phương, khi thông qua nghị quyết.
Tuy nhiên, đây là vấn đề động chạm chung không chỉ riêng của Quảng Ninh, về vấn đề quản lý và khai thác các danh thắng của nước ta.
Yên Tử là một danh thắng tầm vóc Quốc gia, vừa là danh thắng theo nghĩa cảnh quan, chứa đựng rất nhiều yếu tố lịch sử, đặc biệt là của Nhà Trần.
Và hơn nữa, Yên Tử là quần thể kiến trúc tôn giáo. Do đó, đã thu hút được nhiều khách thập phương tới tham quan vãn cảnh.
Có người đến đây là Phật tử, họ đến để đáp ứng nhu cầu tôn giáo nhưng cũng có thể là một công dân bình thường, họ đến đây để chiêm ngưỡng giá trị Phật giáo, chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh.
Có thể nói thành phần đến tham quan Yên Tử rất khác nhau. Do đó, để quy về một mối trong việc quản lý di tích này bao giờ cũng có mặt hợp lý và mặt không hợp lý.
|
Rất nhiều người dân phản đối việc khi đến viếng tại Yên Tử phải mất phí. |
Có những người họ đến để lễ chùa là chính, về mặt luật pháp người dân được tự do tới lễ chùa và phải tạo điều kiện cho họ đến.
Vì chùa là chùa của dân, Nhà nước có thể quản lý nhưng trước tiên phải là của dân, sau đó là của Phật giáo. Vì thế, trong trường hợp này tôi thấy cần phải tách ra.
Để có những hình thức vừa đáp ứng cái chung, lại vừa thu được nguồn phí để nuôi nhân lực và phát huy di tích cũng là điều rất quan trọng, vì hiện nay đang xã hội hóa không dựa vào ngân sách nhiều.
Nhưng vế thứ hai cũng phải tôn trọng quyền của người dân, đặc biệt trên lĩnh vực tín ngưỡng. Do đó, du lịch và tín ngưỡng đôi khi là hai nhưng lại là một.
Nếu tách ra được thì đó là điều minh bạch, đặc biệt không tạo ra phản cảm trong nhận thức của những người Phật tử.
Vì sao tôi đến chùa tôi lại phải trả tiền? Tôi có thể đóng góp công quả, có thể cúng tiến vào nhà chùa. Sao tự dưng thu phí?
|
Tôn trọng quyền của người dân, đặc biệt trên lĩnh vực tín ngưỡng. |
Trong khi tất cả những dịch vụ khác Nhà nước đã có hình thức thu phí rồi. Ví dụ, tôi đi cáp treo, tôi phải trả tiền cáp treo, tôi đi ô tô tôi phải trả tiền ô tô… Trong khi tôi đi vào chùa lại bị thu phí?
Cần tách bạch giữa quản lý Nhà nước và quản lý địa bàn
Cũng theo Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi đi sang Trung Quốc, tôi nhận thấy một số chùa, nhất là những chùa nằm trong khu vực đô thị người ta khuyến khích việc đóng góp tiền nhiều hơn là việc thu phí.
Thực ra nếu biết cách làm, thì tiền người dân tự đóng góp lớn hơn rất nhiều so với việc thu phí. Điều đáng bàn là, hiện nay chưa tách bạch được giữa quản lý Nhà nước với quản lý địa bàn, với nhà chùa.
Thùng công đức thuộc về ai, là bài toán chưa giải được. Về phía Nhà nước cũng cần phải có nguồn lực nhất định, đó là chưa kể những di tích lịch sử quan trọng, Nhà nước phải đầu tư, chứ không riêng nhà chùa, còn xây dựng trùng tu.
Tôi tôn trọng nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh, nhưng theo tôi, có thể tăng phí dịch vụ, nhưng vào chùa đi lễ không được thu phí. Tôi lấy ví dụ, người ta đi theo con đường mòn để hành hương thì không được thu phí cáp treo.
Ở một diễn biến khác, trước khi trình HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua việc thu phí Yên Tử, UBND TP Uông Bí chưa họp bàn với Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh và lấy ý kiến người dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chính vì vậy mà Giáo hội phật giáo Quảng Ninh đã phản bác việc đề xuất thu phí này của UBND TP Uông Bí.
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ những văn bản đề xuất của UBND TP Uông Bí có trung thực, khách quan? Đồng thời xem xét liệu có "lợi ích nhóm" của các cơ quan như Ban quản lý di tích danh thắng Yên Tử, Công ty Tùng Lâm hay không?
Liên quan đến việc thu phí vãn cảnh Yên Tử, trao đổi với PV qua điện thoại, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự TƯ GHPG VN cho rằng, người ta về Yên Tử chủ yếu là lễ Phật, tưởng nhớ Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ở đây, chủ yếu phật tử hướng đến tự do tín ngưỡng, nên cần phải tách bạch để đảm bảo công bằng cho người dân. Bởi, họ cũng là những nhân tố góp công đức để trùng tu tôn tạo khu di tích. Theo tôi, đối với những ai dùng dịch vụ thì phải trả phí, còn lễ Phật thì không thu phí. Một số danh thắng đã bỏ hình thức bán vé như: Bái Đính, Di tích Côn Sơn Kiếp Bạc.. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.