Hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và địa phương là bài toán đặt ra với những hợp đồng BOT. Xung quanh việc thu phí BOT ở cầu Bến Thuỷ, có ý kiến cho rằng hoạt động của các trạm thu chưa đảm bảo lợi ích của người dân.
Căn cứ pháp lý đặt trạm thu phí BOT tại cầu Bến Thủy 1 và 2
Với mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho TP. Vinh, mở rộng hành lang phát triển khu vực phía Tây Thành phố, Bộ GTVT cho phép CIENCO4 đầu tư dự án tuyến tránh TP. Vinh theo hình thức BOT, hợp đồng số 2177/GTVT-KHĐT ngày 15/05/2003.
Tuyến đường có chiều dài 25,8 km, từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800, QL1A) đến cầu Bến Thủy (1) (Km 467+056, QL1A), tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng.
|
Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1. |
Tháng 6/2005, Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT chỉ định chuyển giao Trạm thu phí Bến Thuỷ 1 đặt tại Km 467+100, QL1A (vốn trực thuộc Khu Quản lý đường bộ 4, Cục Đường bộ Việt Nam) cho nhà đầu tư BOT tuyến tránh Vinh khai thác, thu phí theo hình thức thu phí lượt để hoàn vốn cho dự án.
Vị trí của trạm thu phí Bến Thuỷ 1 cách trạm thu phí Hoàng Mai (Km383+600, QL1A) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (Km 539+100, QL1A) 72km, phù hợp với quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính năm 2003. Mức thu phí được quy định theo Quyết định số 46, ngày 14/07/2005 của Bộ Tài chính.Tháng 12/2005, công trình hoàn thành và được đưa vào khai thác.
Năm 2010, Cầu Bến Thuỷ 2 được xây dựng bằng ngân sách nhà nước (hoàn thành tháng 9 năm 2012). Tuy nhiên, việc này “vi phạm” Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và CIENCO4.
Chiếu theo điều khoản này, cầu Bến Thuỷ 2 được xem như một đường ngang đấu nối vào tuyến tránh TP. Vinh, làm giảm lưu lượng phương tiện và tác động đến kế hoạch hoàn vốn của nhà đầu tư. Để đảm bảo Hợp đồng BOT đã ký, tháng 6 năm 2011, CIENCO4 có tờ trình gửi Bộ GTVT, trong đó đề xuất 3 phương án:
Phương án 1, đặt trạm thu phí phụ ở đầu cầu Bến Thuỷ II để đảm bảo xe không bị thu trùng lặp, không gây áp lực lưu lượng lên một trong hai cây cầu, không thay đổi trạng thái ban đầu của dự án.
Phương án 2, di chuyển trạm thu phí Bến Thuỷ 1 sang một địa điểm khác để tiếp tục thu phí hoàn vốn cho dự án. Nhà đầu tư đã tính đến 3 vị trí có thể di dời gồm: trên QL1A phía Bắc tuyến tránh TP. Vinh hoặc phía Nam tuyến tránh TP. Vinh thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; trên tuyến tránh TP Vinh.
Trong tờ trình có phân tích cụ thể, nếu đặt ở phía Bắc dự án thì nằm trong KKT Đông Nam, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Nếu đặt ở Hà Tĩnh thì chỉ có thể đặt ở phía Nam thị xã Hồng Lĩnh bởi QL1A đoạn Hồng Lĩnh - Nghi Xuân tồn tại 2 nhánh song song QL1A cũ và QL1A mới (còn gọi là QL8B), mà vị trí này lại quá gần trạm thu phí Cầu Rác (~50 km).
|
Nút giao QL8B (QL1A mới) và QL1A cũ (điểm tròn xanh ) từng được tính đến trong các phương án đặt trạm thu mới. Cuối cùng, phương án giữ nguyên trạm thu cầu Bến Thuỷ 1 và đặt thêm trạm thu phụ cầu Bến Thuỷ 2 được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẩm định thông qua, được UBND địa phương có dự án đi qua, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất. Bản đồ: Google Map. Đồ hoạ: Hữu Quân. |
Phương án đặt trạm thu trên tuyến tránh TP. Vinh sẽ dẫn đến khó kiểm soát tình trạng xe trốn trạm đi vào nội thành, làm sai mục đích giảm tải áp lực giao thông cho TP. Vinh của dự án.
Phương án 3, nhà đầu tư bàn giao dự án cho nhà nước, ngừng thu phí hoàn vốn. Nhà nước sẽ hoàn trả lại cho nhà đầu tư khoản kinh phí tính toán dựa trên các điều kiện trong hợp đồng, điều kiện thực tế và các quy định hiện hành.
Tờ trình của nhà đầu tư được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẩm định và có báo cáo thống nhất với Phương án 1. UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Tài chính sau đó cũng có văn bản thống nhất ý kiến. Ngày 30/12/2011, Bộ GTVT chính thức ra văn bản đồng ý với Phương án 1, tức đặt trạm thu phí phụ cho dự án tuyến tránh TP. Vinh ở phía Bắc cầu Bến Thuỷ 2. Bộ giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam và CIENCO 4 tính toán lại thời hạn Hợp đồng, phối hợp với các bên liên quan sớm triển khai thực hiện.
|
Cầu Bến Thủy 2. |
Điều chỉnh mức phí là giải pháp tối ưu
Liên quan đến 2 trạm thu phí BOT ở cầu Bến Thuỷ 1 và 2, có ý kiến cho rằng nên di dời và/hoặc điều chỉnh mức thu phí. Tuy nhiên, vị trí đặt 2 trạm thu như hiện nay có căn cứ pháp lý, còn việc di dời thì không có tính khả thi cao bởi 2 lý do:
Thứ nhất, ngày 29/07/2015, trước phản ánh của người dân về mật độ trạm thu phí “dày đặc”, Thủ tướng Chính phủ phát công văn hoả tốc số 1237/TTg-KTN (do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký) yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án quy hoạch trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong thời gian đề án này chưa được phê duyệt, Bộ GTVT và các tỉnh phải tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km giữa hai trạm trên cùng một tuyến đường.
Thứ hai, chi phí xây dựng và GPMB nếu di dời 2 trạm thu phí ước tính hết 100 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chủ trương tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá để đầu tư cơ sở hạ tầng như hiện nay thì đó là cả một bài toán khó cho ngân sách địa phương và Trung ương.
Trong khi đó, những bất cập phản ánh về trạm thu phí ở cầu Bến Thuỷ 1 và 2 có thể giải quyết bằng phương án “tiết kiệm” hơn, đó là điều chỉnh mức thu phí.
|
Từ tháng 1/2016, trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và 2 áp dụng giá vé mới. |
Cụ thể, có ý kiến cho rằng giá vé mới điều chỉnh (thực hiện từ tháng 1/2016) quá cao, một số người dân sinh sống ở hai bên đầu cầu không tham gia giao thông trên QL1A, tuyến tránh TP. Vinh vẫn phải trả phí.
Trên thực tế, việc điều chỉnh mức thu phí tại 2 trạm BOT cầu Bến Thuỷ 1 và 2 được xây dựng lộ trình từ năm 2014. Ngày 07/03/2014, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 2895 xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1A.
Trong văn bản trả lời, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh thống nhất các nội dung trong dự thảo để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh và dự án nâng cấp QL1A đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP. Hà Tĩnh. Tại Văn bản 970 ngày 14/03/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: “Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với bố cục và các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính”.
Trên cơ sở đó, ngày 24/04/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 51 cho phép CIENCO4 điều chỉnh mức thu phí qua trạm BOT cầu Bến Thủy 1 và 2.
Nhưng chỉ đến khi việc tăng phí được triển khai vào đầu năm 2016 thì các địa phương mới có kiến nghị cho rằng mức phí mới quá cao. Ngày 21/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra văn bản số 9328 và ngày 06/01/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản số 35 gửi các cơ quan, ban ngành về đề nghị xem xét giảm giá vé cho các phương tiện và nhân dân trong vùng thường xuyên đi qua 2 trạm thu cầu Bến Thuỷ 1 và 2.
Trước tình hình này, CIENCO 4 đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ vé tháng, vé quý cho tất cả các đối tượng có phương tiện trên địa bàn TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An; huyện Nghi Xuân, TX. Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh (áp dụng từ ngày 01/01/2016).
|
Phương án hỗ trợ giá của CIENCO4 áp dụng từ tháng 1/2016. |
Theo điều tra khảo sát dựa trên sổ hộ khẩu và đơn vị công tác, CIENCO4 báo cáo cho biết, có gần 1.200 trường hợp được áp dụng giá vé hỗ trợ. Tính đến ngày 31/08/2016, đơn vị này đã bỏ ra tổng cộng 2,82 tỷ đồng để trợ giá.
Mới đây nhất, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính có tờ trình số 8302/BTC - CST về các phương án giảm phí BOT. Cụ thể, kiến nghị xem xét giảm 10% - 20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi (xe nhóm 1, nhóm 2) tại 5 trạm áp dụng mức thu phí cao nhất, trong đó có 2 trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1 và 2. Lãnh đạo CIENCO 4 cho biết đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu lộ trình giảm giá vé cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Như vậy, bất cập trong mức phí tại 2 trạm thu BOT cầu Bến Thuỷ 1 và 2 là có thật, qua phản ánh của người dân, kiến nghị của địa phương và sự vào cuộc của các ban ngành, nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải có động thái điều chỉnh.
Tuy nhiên, cần nhận thức một điều rằng lợi ích từ những công trình BOT không chỉ đo đếm bằng việc sử dụng trực tiếp. Những công trình này đã góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng của địa phương, tạo sức đẩy cho nền kinh tế - xã hội chung và đem lại lợi ích cho toàn dân.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc thu hút và tranh thủ vốn BOT để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng là giải pháp hiệu quả đang được áp dụng trên khắp cả nước. Bằng nguồn thu hoàn vốn từ một công trình BOT ban đầu, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các dự án phục vụ dân sinh khác. Trong trường hợp của dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh, có thể kể đến các công trình “vệ tinh” như cầu vượt QL46 giao cắt với đường sắt Bắc Nam, tiểu dự án cầu vượt QL1A với QL8B, nâng cấp QL1A đoạn Nam Bến Thuỷ - tránh TP. Hà Tĩnh…