Trong công tác điều tra tội phạm công nghệ cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải nhiều khó khăn do người phạm tội dùng thủ đoạn rất tinh vi.
Tội phạm công nghệ cao là gì?
Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tội phạm sử dụng công nghệ cao là: “Tội phạm được thực hiện bằng việc cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.
|
Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội. (Hình minh họa) |
Thực tế tại Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn tác động đến thông tin và dữ liệu điện tử được lưu trữ, truyền phát trong mạng viễn thông và thiết bị số.
Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, hành vi sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh đã được quy định tại Điều 293.
Để thực hiện hành vi này, đối tượng có thể sử dụng công cụ, thiết bị viễn thông để can thiệp, chiếm quyền sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh hoặc cố ý sử dụng trái phép thiết bị phát tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.
Có những loại tội phạm công nghệ cao nào?
Căn cứ theo quy định từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm công nghệ cao theo quy định bao gồm những hành vi như sau:
- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự 2015 có một số khoản bị thay thế bởi điểm p khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (quy định tại Điều 286 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (quy định tại Điều 287 Bộ luật Hình sự 2015 có một số khoản bị thay thế bởi điểm q khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (quy định tại Điều 293 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội cố ý gây nhiễu có hại (quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015).
Khó khăn trong xử lý tội phạm công nghệ cao
Thực tế, trong công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm công nghệ cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải một số những khó khăn do việc xác định người bị hại rất khó.
Người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng, đối tượng phạm tội thường sử dụng internet với thủ đoạn tinh vi nên phạm vi ảnh hưởng là rất lớn.
Bản thân người bị hại không biết phải báo cáo cho cơ quan cảnh sát ở đâu thụ lý, không tự nguyện làm đơn tố cáo...
Với những vụ gian lận thẻ tín dụng, người bị hại là công dân nước ngoài, nên việc lấy lời khai của người bị hại ở khắp nơi trên thế giới không thể thực hiện.
Trong quá trình điều tra, gặp khó khăn về các khoản chi phí phát sinh. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, về cơ chế phối hợp, về nguồn nhân lực cũng như về trình độ của cán bộ thực thi pháp luật.
Trong khi đó, luật pháp của các nước lại có quy định khác nhau về hành vi phạm tội và mức hình phạt về loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả và thiệt hại do tội phạm gây ra cũng là vấn đề hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy, thiệt hại do những hành vi này gây ra hầu hết không thể xác định được bằng cân, đong, đo, đếm. Vì vậy, không thể làm rõ hậu quả như thế nào thì được coi là nghiêm trọng...
Điều này đã gây lúng túng cho quá trình giải quyết vụ án. Việc thu thập và đánh giá chứng cứ cũng gặp những khó khăn, vì thực tế khi thực hiện hành vi phạm tội, thủ phạm thường che dấu nhân thân và chỉ để lại dấu vết ảo trên mạng như nickname, email, tài khoản ảo và thường không đưa cho bị hại chứng cứ cũng như hợp đồng hay phiếu thu tiền như những kiểu giao dịch khác.
Việc thống nhất nhận thức về chứng cứ cũng rất khó khăn, dữ liệu thu được trong máy tính của đối tượng thường được các cơ quan tư pháp cho rằng chưa có tính thuyết phục vì không có sự ký nhận của hai bên. Do đó, việc cơ quan công an giải quyết những vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn.