Các hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/3.
Tin nên đọc
Lễ ký kết hợp tác “Đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch”
Nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội du lịch 2016
Hải Phòng: Sớm khởi công dự án khu du lịch và vui chơi giải trí cao cấp ở Đảo Dấu
Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái hồ Lụa
Từ ngày 25 - 27/3, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn”. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Dự kiến sẽ có hơn 135 đồng bào thuộc 8 dân tộc đến từ 7 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh vùng Tây Nguyên: M’Nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê Đê (Đắk Lắk) và dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An) trực tiếp tham gia vào sự kiện.
Tham dự hoạt động văn hóa, du khách sẽ có cơ hội đắm mình vào không khí lễ hội văn hóa và trải nghiệm không gian Tây Nguyên đại ngàn hũng vĩ vừa gần gũi, vừa xa xôi giữa lòng Hà Nội.
|
Du khách sẽ có cơ hội đắm mình vào không khí lễ hội văn hóa và trải nghiệm một không gian Tây Nguyên đại ngàn hũng vĩ ngay giữa lòng Hà Nội. |
Tại Làng Văn hóa - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sẽ diễn ra các hoạt động đa dạng như: Ngày văn hóa “Tây Nguyên đại ngàn”; Chương trình đạp xe “Vì tình yêu Tây Nguyên”; Diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên; Ngày hội bắn nỏ; Trưng bày, giới thiệu những sản phẩm được chế tác từ núi rừng Tây Nguyên, những người giữ lửa Tây Nguyên; Lễ hội tri thức dân gian; Dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian…
Bên cạnh đó, các lễ hội, nét tín ngưỡng là bản sắc văn hóa thiêng liêng, quý giá tạo nên những đặc thù của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng sẽ được giới thiệu.
|
Lễ cầu mùa là nghi lễ quan trọng của người Ê Đê, với mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm. Lễ hội thường diễn ra vào đầu mùa mưa dịp tháng 3-4 ÂL, thời điểm bắt đầu một mùa nương rẫy mới. (Ảnh: Internet). |
Tại Làng Văn hóa, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng tái hiện những nghi lễ như: Lễ cúng cổng bon (buôn) làng dân tộc M’Nông; Lễ mừng nhà rông mới dân tộc Giẻ Triêng; Lễ cầu mưa và mừng mùa dân tộc Ê Đê; Lễ tạ ơn Yang đất Yang rừng dân tộc Mạ; Đám cưới của dân tộc Gia Rai; Lễ mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng.
Đặc biệt, du khách và những người yêu nghệ thuật sẽ được thưởng thức những đêm kể Khan được diễn xướng bởi các nghệ nhân dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk hay thưởng thức bộ sưu tập văn hóa dân tộc Ê Đê của gia đình cố nghệ sỹ nhân dân Y Moan Ê Nuôl.
|
Chuẩn bị các lễ vật để cúng tế tại lễ cầu mùa của người Ê Đê. (Ảnh: Internet) |
Có thể nói, những nghi lễ này được hình thành trong lịch sử lâu dài và được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với các dân tộc. Nét văn hóa đó không những thể hiện tính cách bề ngoài, tập quán sống mà còn thể hiện chiều sâu tâm hồn, văn hóa các dân tộc.
Đến xem, trải nghiệm “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây nguyên đại ngàn”, công chúng sẽ được đắm mình trong điệu cồng chiêng, tiếng hát, âm điệu huyền hoặc lúc trầm, lúc bổng theo từng khúc quanh lịch sử của đại ngàn Tây Nguyên kỳ vĩ. Và mỗi người lại có thể tự “làm giàu” thêm vốn hiểu biết văn hóa, để rồi từ nguồn cảm hứng đó hiểu và yêu mảnh đất, con người Tây Nguyên nhiều hơn.