Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đã được ban hành, theo đó, mức học phí các cấp đều được điều chỉnh tăng. Điều này tạo thêm áp lực với không ít gia đình sinh viên, nhất là sinh viên xa nhà.
Mỗi khoản tăng một ít, tạo áp lực tiền trường
Chị Hoàng Yến (Thanh Hóa) có con đang học đại học (ĐH) ở Hà Nội nhìn biểu trần học phí được ban hành theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP bày tỏ: “Nếu nhìn qua, mức tăng 100-200 nghìn đồng tưởng chừng chẳng đáng là bao nhưng đối với sinh viên đi học xa nhà, mỗi khoản tăng một chút có thể trở thành áp lực không nhỏ đối với bất cứ gia đình nào”.
Sinh viên và phụ huynh sẽ phải đau đầu với bài toán "học phí"? |
Ngay năm học 2015 - 2016 này, trần học phí với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (kể cả các cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) là 610.000 đồng/tháng/sinh viên đối với khối khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản; 720.000 đồng/tháng/sinh viên đối với khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; 880.000 đồng/người/tháng đối với sinh viên khối ngành y dược.
Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí còn cao hơn rất nhiều, tương đương mức 1,75 triệu đồng, 2,05 triệu đồng và 4,4 triệu đồng.
Mức học phí được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.
Trông học phí để lựa trường
Quay lại trường hợp của chị Hoàng Yến có 2 con đang học ĐH: một em học năm thứ 2, một em học năm cuối.
Ở huyện lỵ, gia đình chị được coi là có điều kiện khi chồng làm công chức, vợ bán tạp hóa. Những năm qua, gia đình nỗ lực nuôi 2 con ăn học với chi phí khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng.
“Năm nay, tiền nhà trọ tăng, tiền bảo hiểm y tế tăng, giờ cả học phí cũng tăng. Tính ra, mỗi tháng nhà tôi phải chi thêm khoảng 1 triệu cho hai đứa. Trong khi ở nhà, hai vợ chồng không thể làm gì ra thêm 1 triệu đồng mỗi tháng” – chị Yến phàn nàn.
Nhưng trường hợp như nhà chị Yến còn là may mắn. Bà Nguyễn Loan (Đô Lương, Nghệ An) có con trai thứ 2 đang học ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ lo ngại về chuyện tiền trường tăng: “Nhà nước cho vay vốn học sinh, sinh viên 1,1 triệu mỗi tháng cũng coi như đủ học phí. Tôi còn phải cho con tiền ăn, tiền ở. Cháu phải nỗ lực vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải các chi phí học ngoại ngữ, tin học..., sau này ra trường còn có kỹ năng để mà xin việc”.
Không ít phụ huynh bày tỏ mức tăng học phí khá cao ở nhóm ngành y dược sẽ khiến nhiều cháu học giỏi không có cơ hội học trường này. “Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để học những ngành cao nhất như y dược. Việc tăng học phí ở mức cao với ngành này có vẻ sẽ là thiệt thòi cho những bạn thực sự có tài năng mà gia đình không đủ điều kiện kinh tế và không thuộc diện được miễn giảm học phí” – Hoàng Đức (sinh viên Học viện Nông nghiệp Hà Nội) nói.
Như vậy, khi chọn trường để đăng ký, thí sinh và gia đình không chỉ chọn trường theo năng lực học tập, theo nhu cầu xã hội, theo sự yêu thích đối với ngành học mà còn phải nhìn vào chi phí. “Đấy có thể là lưới lọc hữu hiệu, nhất là đối với các trường học phí cao” – chị Yến chia sẻ.