Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.
Thách thức trong quản lý nếu không có công cụ kiểm soát
Theo chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh), trước đây, theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển các TCHNCC đến năm 2020, TP.Hồ Chí Minh có 110 TCHNCC. Từ năm 2019, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, đã bãi bỏ việc quy hoạch các TCHNCC.
Đây là một thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước ở địa phương thời gian qua, bởi lẽ công chứng là nghề nghiệp đặc thù, phần lớn liên quan giao dịch bất động sản, nên hoạt động của các TCHNCC và CCV có ảnh hưởng nhất định đến đảm bảo an toàn giao dịch nói riêng và sự ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương nói chung. TCHNCC không phải như doanh nghiệp thông thường, mà cung cấp dịch vụ công nên tổ chức và hoạt động phải phù hợp định hướng, phù hợp tình hình kinh tế xã hội ở từng địa bàn.
“TP. Hồ Chí Minh là địa bàn thu hút phần lớn các TCHNCC và CCV hành nghề nên đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, gây mất trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương trong việc kiểm soát phát triển tổ chức hành nghề công chứng và phải gắn với địa bàn dân cư; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện,…”, bà Hạnh nhấn mạnh.
|
Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP). |
Theo bà Hạnh, để thực hiện công tác quản lý trong điều kiện không còn quy hoạch phát triển TCHNCC, bên cạnh những biện pháp quản lý thực hiện thường xuyên như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh tra, kiểm tra, TP.Hồ Chí Minh còn sử dụng công cụ phù hợp khác như ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn Thành phố; ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC với các tiêu chí chặt chẽ hơn, đảm bảo kiểm soát được số lượng các TCHNCC được thành lập mới phải phù hợp nhu cầu xã hội, tránh thành lập tràn lan không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, khách hàng.
Nhờ đó, thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh kiểm soát được số lượng các TCHNCC. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 117 tổ chức hành nghề công chứng, với 456 Công chứng viên đang hành nghề (chỉ tăng 07 TCHNCC so với Đề án quy hoạch đến năm 2020).
Từ thực tiễn quản lý tại TPHCM và đặc thù của hoạt động công chứng, bà Hạnh cho rằng từng địa phương rất cần thiết phải có công cụ quản lý phù hợp để đảm bảo các TCHNCC phát triển ổn định, bền vững trong thực hiện chức năng “thẩm phán” phòng ngừa. Do đó, cần thiết phải có quy định giao thẩm quyền của UBND cấp tỉnh được xem xét, ban hành Đề án quản lý, phát triển TCHNCC tại địa phương để phù hợp hơn với thực tiễn; việc phát triển TCHNCC gắn với địa bàn dân cư sẽ bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, khắc phục được tình trạng tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện.
Phù hợp với pháp luật nhiều nước trong hệ thống công chứng Latinh
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hiệp hội CCV Việt Nam, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, quy hoạch về công chứng được bãi bỏ từ 01/01/2019 đã đặt ra thách thức cho công tác quản lý nhà nước về công chứng ở các địa phương. Pháp luật về công chứng của Việt Nam (Luật Công chứng năm 2014) được xây dựng trên cơ sở có quy hoạch phát triển các TCHNCC để bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa nhu cầu của xã hội và các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Bởi lẽ, công chứng được xác định là dịch vụ công; một trong những đặc điểm và nhiệm vụ quan trọng của dịch vụ công là phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân một cách thuận lợi. Để khắc phục những bất cập này, việc nghiên cứu và đưa vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) các quy định để bảo đảm được các mục tiêu quản lý nhà nước về công chứng trong điều kiện không còn quy hoạch là nhiệm vụ cần thiết.
Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong hệ thống công chứng Latinh (Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Nhật Bản…) cho thấy, đối với dịch vụ công chứng, nhà nước luôn luôn có sự can thiệp, điều tiết phù hợp để bảo đảm các yếu tố của dịch vụ công. Cách thức điều tiết có thể là kiểm soát số lượng CCV tại các địa bàn dân cư căn cứ trên mật độ dân cư hoặc mật độ tòa án; cũng có quốc gia kiểm soát số lượng TCHNCC; có quốc gia kiểm soát cả số lượng CCV lẫn số lượng TCHNCC. Rất ít quốc gia để cho hoạt động công chứng phát triển hoàn toàn dựa vào quy luật cung cầu của thị trường.
Thực tiễn thời gian qua sau khi quy hoạch công chứng bị bãi bỏ thì các tổ chức hành nghề công chứng đã có hiện tượng di chuyển vào khu vực thành thị tạo nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh; ngược lại, ở một số địa bàn cấp huyện khác đã không có tổ chức hành nghề công chứng.
Vì lý do đó, để thực hiện được chức năng xã hội của công chứng là một dịch vụ công theo đúng nghĩa, bảo đảm người dân ở mọi vùng miền, mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận và sử dụng một cách thuận tiện thì nhà nước cần có công cụ quản lý và cơ sở pháp lý để điều tiết, kiểm soát.
Trên tinh thần này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra để bảo đảm cho dịch vụ công chứng phát triển ổn định, bền vững, bao phủ được toàn bộ địa bàn dân cư.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đánh giá quy định như dự thảo Luật là phù hợp, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công chứng. Bởi lẽ: Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, đặc biệt là những giao dịch quan trọng liên quan đến đất đai, bất động sản, thế chấp tài sản. Do vậy, việc quản lý, phát triển CCV, TCHNCC phải đảm bảo chặt chẽ, cần có sự quản lý, kiểm soát, mà không giống như các loại hình kinh doanh tự do khác...
Theo kinh nghiệm của một số nước (như Trung Quốc) các TCHNCC đều thành lập theo đơn vị hành chính cấp huyện và phân bố hợp lý, hay việc thành lập các VPCC ở Angeria bảo đảm mỗi địa hạt đều có từ 1 đến 2 VPCC, bảo đảm phát triển các TCHNCC có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết cần thiết từ phía cơ quan nhà nước mà không phát triển tự do như các doanh nghiệp thông thường.
Chính vì vậy, dự thảo Luật quy định tại (Điều 17) về nguyên tắc thành lập TCHNCC và điều khoản về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng Đề án quản lý, phát triển tổ chức HNCC tại địa phương là cần thiết, góp phần tăng cường quản lý nhà nước ở các địa phương.
Bày tỏ đồng tình, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Bình Định cho rằng quy định như dự thảo sẽ tránh tình trạng phát triển TCHNCC không đồng đều, không gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã còn một số địa bàn cấp huyện nhất là huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn lại không có VPCC.
Tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh
Theo phân tích của TS. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng khoa Đào tạo CCV, Học viện Tư pháp: Việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định “Ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương” là một trong những trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về công chứng là một quy định phù hợp.
Thứ nhất, tổ chức hành nghề công chứng là môi trường hành nghề của CCV. Với chức năng chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước uỷ nhiệm, dịch vụ do CCV cung cấp là dịch vụ nhân danh Nhà nước nên việc hành nghề công chứng của CCV trong đó có tổ chức hành nghề cần phải được Nhà nước quản lý chặt chẽ.
Thứ hai, thực tế trong thời gian vừa qua (nhất là sau khi quy hoạch tổng thể phát triển các TCHNCC bị bãi bỏ theo Luật Quy hoạch), do Luật hiện hành chỉ giao cho UBND cấp tỉnh trách nhiệm ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập VPCC nên việc phát triển TCHNCC tại một số địa phương còn có phần lúng túng, không đồng đều, tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có tình trạng nhiều VPCC xin chuyển về các đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có VPCC hoạt động...
Theo TS. Bích Ngà, tình hình này không chỉ là gây khó khăn cho người dân, ở những địa bàn không có TCHNCC, trong việc tiếp cận với dịch vụ công chứng, mà còn phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCHNCC tại những địa phương có quá nhiều TCHNCC. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công chứng.
Do vậy, quy định này của dự thảo Luật không chỉ đảm bảo cho người dân được tiếp cận thuận lợi với dịch vụ công chứng, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước, mà còn đảm bảo cho chất lượng dịch vụ công chứng, việc hành nghề của CCV được ổn định, tránh tình trạng thành lập TCHNCC tràn làn như nghề kinh doanh thông thường khác, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và góp phần cho sự phát triển ổn định, bền vững của nghề công chứng và phù hợp với thông lệ quốc tế.