Trong điều kiện thời tiết mưa to, khoảng 20h52 ngày 16/7, chiếc tàu bay Airbus - A321 của Vietnam Airlines từ TP HCM sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Vinh (Nghệ An) đã gặp sự cố, khiến Cảng hàng không này không thể hoạt động trong hơn 10 tiếng đồng hồ.
|
Sân bay Vinh không khai thác được trong hơn 10 tiếng sau sự cố khi hạ cánh của máy bay Vietnam Airlines hôm 16/7 |
“Ùn tắc” đường băng nhiều giờ
Ngày 17/7, trao đổi với PLVN sau khi sự cố trên xảy ra, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, lãnh đạo Cục này đã nắm được thông tin về sự cố trên, đồng thời đã chỉ đạo khắc phục. Theo Phó Cục trưởng Cường, ngay trong sáng 17/7, đơn vị này đã cử một Đoàn công tác vào sân bay Vinh để tìm hiểu nguyên nhân sự cố đêm muộn 16/7. “Chúng tôi sẽ làm việc nhanh nhất có thể để tìm ra nguyên nhân sớm nhất”, ông Cường nói.
Trước thông tin máy bay gặp sự cố khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết mưa to, vị đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn bay, tổ lái và đơn vị quản lý bay phải thực hiện đúng theo các quy trình đã được quy định.
Nhưng ngay trong ngày hôm qua, có tờ báo đưa tin, ảnh cho rằng, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines đã bị nổ 1 lốp ở phía trước sau khi đáp xuống đường băng của Cảng Hàng không quốc tế Vinh tối 16/7. Tuy nhiên, Tổ lái của chuyến bay mang số hiệu VN1266 đã xử lý đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay sau đó được đưa ra khỏi máy bay và di chuyển vào nhà ga bằng xe buýt.
Do sự cố nghiêm trọng xảy ra, máy bay phải nằm lại trên đường băng nên toàn bộ các chuyến bay đến/đi từ Sân bay quốc tế Vinh không thể khai thác được trong thời gian khoảng 11 tiếng đồng hồ, từ 21h ngày 16/7 đến 8h sáng 17/7. Khoảng 5 chuyến bay tại sân bay này bị ảnh hưởng.
Có trách nhiệm của TCty Quản lý bay Việt Nam?
Trong một diễn biến khác, sáng cùng ngày sau khi xảy ra sự việc nói trên, trả lời PLVN, ông Hoàng Văn Thư - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh cho hay, các bộ phận liên quan đã tổ chức kéo tàu bay vào sân đỗ để giải phóng đường băng, đồng thời khẳng định đó chỉ là một “trục trặc nhỏ, không có vấn đề gì quá lớn”. Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vinh cho biết, đối với các hành khách trên các chuyến bay, nếu khách nào không đi nữa thì sẽ được hoàn lại tiền; những khách hàng có nhu cầu bay tiếp, thì được sắp xếp vào các chuyến bay tăng cường trong sáng 17/7.
Ngày thường ở sân bay này chỉ có 15 chuyến bay, nhưng do sự cố trên nên đã tăng cường thêm 5 chuyến để phục vụ hành khách, 9h sáng 17/7 chuyến bay tăng cường đầu tiên đã cất cánh.
Như đã nêu, trước đó, đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định với PLVN rằng đã cử một Đoàn công tác vào Vinh điều tra, xác minh sự cố, thì đại diện của Cảng Hàng không quốc tế Vinh lại cho biết “không có Đoàn nào”? Ngoài ra, vị đại diện Cảng này cũng lên tiếng phủ nhận các thông tin trên mạng xã hội về sự cố sân bay.
Nhằm tìm hiểu rõ thêm các điều kiện trước khi tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh và gặp sự cố, phóng viên PLVN đã liên lạc với ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) nhưng người đứng đầu VATM “né” trả lời rồi đề nghị trao đổi với Cục Hàng không Việt Nam.
Được biết, một trong những chức năng của VATM là quản lý không lưu, quan trắc khí tượng hàng không, từ đó đưa ra những cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn bay. Trong sự việc này, dù chưa có kết luận chính thức, nhưng nếu máy bay gặp sự cố do hạ cánh trong điều kiện thời tiết mưa to, VAMT không thể không có trách nhiệm!
Trong nhiều trường hợp, khi gặp thời tiết xấu, máy bay sẽ bay vòng trên không, đợi khi thời tiết thuận lợi mới hạ cánh. Nhiều trường hợp khác sẽ bay đến sân bay gần nhất, đủ điều kiện hạ cánh an toàn.
Theo phóng viên PLVN tại miền Trung, thời tiết tại Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung trong hai ngày qua xảy ra mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ.