Phụ nữ là những người có nguy cơ bị thiệt mạng hoặc bị thương trong thiên tai cao gấp 14 lần so với nam giới.
Tin nên đọc
“Sống chung với thiên tai - Câu chuyện của người phụ nữ”
Triển lãm “Sống chung với thiên tai - Câu chuyện của người phụ nữ”
Ký kết triển khai thực hiện luật phòng chống thiên tai 2016-2020
Hé lộ không gian kiến trúc điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long
|
Những tác hại của biến đổi khí hậu. |
Trong khi đó, thiên tai lại đang diễn ra với nhiều biến động và những hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng, khiến cho cuộc sống của người dân, nhất là những người phụ nữ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và mỗi câu chuyện chống thiên tai của họ mang đến những khoảng lặng cho người nghe…
Thiên tai ảnh hưởng nặng nề tới phụ nữ
Theo một nghiên cứu toàn cầu, phụ nữ có nguy cơ bị thiệt mạng hoặc bị thương trong thiên tai cao gấp 14 lần so với nam giới do những bất bình đẳng về giới. Ví dụ, trong trận lụt ở Pakistan năm 2014, phụ nữ và trẻ em chiếm 70% trong số gần 18 triệu người bị ảnh hưởng; trong trận bão Nargis năm 2008 ở Myanmar, 61% số người chết là phụ nữ; trong trận lụt gần đây năm 2014 ở Solomon, những bằng chứng cho thấy chỉ 1 trong 23 người chết là nam giới trưởng thành. Phụ nữ phải chịu những tác động lâu dài về mặt sức khỏe, hạn chế cơ hội học tập và sinh kế do thiên tai gây ra.
Từ đây, dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu” do UN Women hỗ trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giúp phụ nữ yếu thế nơi đây mạnh mẽ và can đảm hơn sau khi được tham gia những lớp tập huấn để thay đổi nhận thức, những lớp dạy kỹ năng, hay được cung cấp những kiến thức cơ bản để ứng phó trước, trong và sau khi bão đến để đảm bảo tốt nhất tính mạng, tài sản, sức khỏe của mình, gia đình và cả cộng đồng.
Vai trò của người phụ nữ cũng được nâng cao hơn, họ có những hành động cụ thể để chủ động ứng phó và giảm thiểu rủi ro cho thiên tai gây ra.
Vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức triển lãm “Sống chung với thiên tai - Câu chuyện của những người phụ nữ”. Triển lãm đưa đến cho công chúng cái nhìn thực tế từ chính câu chuyện của những người phụ nữ mất nhà cửa, tài sản và sinh kế vì bão lũ ở Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, nơi được mệnh danh là “túi bão” của miền Trung.
Những lời tâm sự, những chia sẻ của người phụ nữ một vai hai gánh, đơn thân cùng con gái chống chọi khi bão về; những hình ảnh cửa nhà, ruộng đồng tan hoang sau khi bão đi qua của người dân Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… mang đến những khoảng lặng đối với mỗi người xem.
Câu chuyện bão lũ đầy nước mắt
“Đang ăn cơm thì thấy nước ập đến. Của cải trong nhà không còn gì, trôi hết. Thậm chí cái bát không có mà ăn. Tiền bạc không còn cái gì hết. Giờ không biết đi đâu, về đâu nữa” - chị Nguyễn Thị Dung (ở Mông Dương, Quảng Ninh) chia sẻ.
Còn chị Trần Thị Lệ Bình (ở Bố Trạch, Quảng Bình) thì khốn khổ hơn, không còn cả nồi để nấu ăn. “Chồng tôi mất năm 2003 để lại cho tôi 5 đứa con, cháu bé nhất mới một tuổi.
Vài năm nay, các cháu lớn hơn, tôi mở được quán bán gạo và hàng tạp hóa, cuộc sống dần ổn định thì trận lũ lịch sử năm 2010 giáng xuống. Sau trận lụt, mẹ con tôi lại trở về tay không...”, chị Bình tâm sự.
Thiên tai không chỉ là gánh nặng cho người phụ nữ mà nó còn là tai họa khôn lường với trẻ em gái. Em Hoàng Diệu Hương (ở Tuyên Hóa, Quảng Bình) chia sẻ: “Mỗi khi nghe thông báo bão về em rất lo, lo nhà ngập, trường học bị tốc mái, phải nghỉ học, sách vở, đồ dùng học tập sẽ bị ướt. Sợ nhất là phải đi qua những đoạn đường ngập lũ vì con gái chúng em sức yếu, không biết bơi”.
Những khó khăn, vất vả, đau thương ấy nay đã được Nhà nước quan tâm, ghi nhận và đưa ra những giải pháp hỗ trợ. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Hội nghị toàn cầu lần thứ III về giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Sendai, Nhật Bản tháng 3/2015 đã đánh giá cao sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vai trò của phụ nữ và trẻ em trong công tác giảm rủi ro thiên tai.
“Trên tinh thần đó, tôi kêu gọi Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai, trong đó ưu tiên hỗ trợ việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai cũng như năng lực thể chế về quản lý - điều hành phòng chống thiên tai” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.