Trao đổi về việc công trình số 62 Nguyễn Huy Tưởng đã bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động gây tai nạn chết người, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội cho biết không nắm rõ vấn đề này: "Cơ quan nào đình chỉ thì cơ quan đó phải giám sát".
Liên quan tới vụ việc công trình số 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân – Hà Nội) tai nạn sập giàn giáo khiến 7 công nhân thương vong, chiều nay 18/1, tại cuộc trao đổi với báo chí, ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động - Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội đã có những câu trả lời ban đầu về vụ việc này.
|
Ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động - Sở LĐTB&XH TP Hà Nội. |
Thưa ông, đến thời điểm này đã kết luận được nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng này chưa?
Đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 1 người chết và 6 người bị thương. Hiện tại nạn nhân đã được đưa về quê, 6 nạn nhân bị thương đã được đưa di cấp cứu tại bệnh viện 103, trong đó có hai người đã xuất viện.
Vụ tai nạn vừa xảy ra được một ngày, ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân phối hợp với Thanh tra của đoàn kiểm tra an toàn lao động của Sở LĐ TB&XH đã điều tra và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.
Có thông tin cho rằng chủ đầu tư công trình này đã vi phạm rất nhiều liên quan đến lĩnh vực an toàn lao động. Liệu đây có phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ tai nạn?
Về công tác thanh tra kiểm tra về an toàn lao động, chúng tôi đều tiến hành thanh tra kiểm tra theo đúng quy định, đặc biệt là đối với các công tình xây dựng cao tầng và các công trình phức tạp.
Ngày 23/9/2015, đoàn kiểm tra của sở LĐTB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra công trình số 62 Nguyễn Huy Tưởng và lập biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt 15 triệu bởi lý do không gắn thiết bị theo dõi tại nơi nguy hiểm theo quy định.
Ngoài ra chúng tôi cũng đã có 5 nội dung kiến nghị đến chủ công trình: Yêu cầu chủ đầu tư cho kiểm tra công tác an toàn điện tại công trình; Yêu cầu thang máy tại mép ban công phải được che chắn an toàn; Tăng cường biển cấm biển báo trên công trường để người lao động biết mà thực hiện; Yêu cầu nhà thầu bổ sung nội quy vận hành xử lý sự cố và treo ở nơi mọi người đều nhìn thấy và thực hiện;
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện công trình cho công nhân ăn ở lưu trú tại tầng hầm và yêu cầu nhà thầu có văn bản giải trình trước ngày 30/9/2015 về vấn đề này.
Trước những kiến nghị này, công ty chỉ thực hiện một số nội dung, còn một số nội dung đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.
|
Dự án 62 Nguyễn Huy Tưởng nơi xảy ra vụ tai nạn lao động đáng tiếc. |
Về phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân đã được chủ công trình này thực hiện ra sao thưa ông?
Phương tiện bảo hộ lao động cá nhân cho công nhân theo quy định tại công trình này vẫn còn thiếu sót, hợp đồng lao động tại thời điểm kiểm tra là 120 hợp đồng ngắn hạn theo phương thức ký hợp đồng đại diện.
Vậy phía chủ công trình này đã có những hỗ trợ gì cho công nhân đã tử vong?
Qua nắm bắt chúng tôi được biết, hiện tại nạn nhân tử vong được chủ đầu tư và nhà thầu lo mai táng phí ban đầu và đang tiến hành thỏa thuận mức bồi thường với gia đình. Đối với những người bị thương đang nằm viện, nhà thầu và chủ đầu tư có sự hỗ trợ, UBND thành phố HN chiều này cũng đã có sự hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân tử vong là 5 triệu, đối với người bị thương là 3 triệu đồng/người.
Việc xử lý đối với chủ đầu tư và nhà thầu công trình được thực hiện như thế nào thưa ông?
Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người, ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã có quyết định đình chỉ đối với công trình này. Còn về phương thức xử lý tiếp theo thì chúng tôi đang đợi cơ quan cảnh sát điều tra và đoàn thanh tra của sở kết luận thì mới có hình thức xử lý.
Ngày 30/12/2015, phường Thanh Xuân Bắc đã đình chỉ thi công công trình này rồi, điều này sở LĐTB&XH có nắm được không?
Việc đình chỉ vấn đề thi công trong công trường có rất nhiều vấn đề, bên Sở Xây dựng cũng có quyền đình chỉ, UBND phường cũng có quyền đình chỉ. Trong trường hợp này Sở LĐTB&XH lại nắm giữ chức năng khác, cơ quan nào đình chỉ thì cơ quan đó phải giám sát nên chúng tôi không nắm rõ vấn đề này.
Khoảng 10h30 ngày 17/1, tại công trình nhà cao tầng ở số 62 đường Nguyễn Huy Tưởng đã xảy ra vụ sập giàn giáo khi công nhân đang thi công ở tầng 10 khiến 1 người chết, 6 người bị thương. Đây là công trình dự án hỗn hợp do Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư. Danh tính các nạn nhân bước đầu được làm rõ bao gồm: ông Lò Văn Thơm (SN 1979, quê Điện Biên), là nạn nhân đã tử vong sau khi đi bệnh viện cấp cứu. 6 nạn nhân bị thương gồm có: Hoàng Văn Hai (SN 1986, quê ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Hoàng Văn Lý (SN 1989, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Lưu Văn Long (SN 1991, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Dương Thị Khỏa (ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Hoàng Văn Chương (SN 1978, ở Vĩnh Phúc), Lò Văn Than (ở Điện Biên). Trước đó, vào tháng 8/2015, đoàn kiểm tra đã tạm đình chỉ thi công công trình vì có dấu hiệu mất an toàn lao động, không có biển báo lao động. Ngày 29/12, đoàn thanh tra xây dựng lập biên bản hành chính và yêu cầu ngừng thi công trình, một ngày sau đó (30/12) tạm đình chỉ và yêu cầu các cơ quan ngừng cấp điện nước nhưng đơn vị thi công vẫn tiến hành xây dựng bất chấp lệnh cấm. |