Tôi có thể thẳng thắn trả lời rằng trồng cây để nguyên bầu nilon không phải công nghệ mới và sai quy trình, kỹ thuật
Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội rằng việc các cây bị đổ do được trồng rất nông, phần gốc vẫn được bọc kín bằng lưới, bao tải và buộc bằng những sợi dây gai… là của đơn vị nào đó chứ không phải công ty của mình.
|
Cây xanh bật gốc sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thành An |
Trồng cây để nguyên bầu nilon là sai quy trình, kỹ thuật
Liên quan đến việc nhiều cây xanh bị đổ, bật gốc… còn nguyên bọc lưới nilon, bao tải, dây chằng trong cơn bão số 1 vừa qua tại Hà Nội khiến người dân không khỏi hoài nghi về sự cẩu thả của đơn vị trồng cây xanh.
|
Cây xanh bật gốc sau khi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thành An |
Trao đổi với PV, ông Vũ Kiên Trung - Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị không trồng cây như vậy, càng không trồng cây để nguyên bọc.
Ông Trung nói: “Tôi có thể thẳng thắn trả lời rằng trồng cây để nguyên bầu nilon không phải công nghệ mới và sai quy trình, kỹ thuật. Đơn vị nào trồng tôi chưa rõ nhưng tôi chắc chắn anh em công nhân của công ty không bao giờ trồng cây như vậy. Hiện chúng tôi đang dốc sức dọn dẹp sau bão, đảm bảo cảnh quan thành phố”.
Ông Trung cho hay, trên địa bàn TP.Hà Nội, ngoài Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội còn có 15 đơn vị khác tham gia trồng, chăm sóc cây xanh.
“Sau khi cơn bão số 1 đổ bộ, Cty đã huy động 100% cán bộ công nhân thay phiên nhau làm việc suốt 24 giờ để dọn dẹp cây gãy đổ, đảm bảo giao thông cho thành phố” - ông Trung nói.
Trồng cây mà để nguyên lưới, bao tải là “chuyện lạ”
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Trọng Bình - Trưởng khoa Lâm học, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, cho rằng nguyên nhân cây mới trồng ở Hà Nội đã bật gốc do kỹ thuật không phù hợp, kèm thêm việc mưa kết hợp gió khiến nhiều câu xanh, tán lá bị gãy, thậm chí bật gốc.
“Nền đất vỉa hè ở Hà Nội chứa quá nhiều tạp chất, gạch, bê tông, cát. Nếu chỉ đào 40 – 50cm đặt cây, chèn đặt, cây sẽ rất chậm phát triển. Để cây mới trồng bám rễ chặt phải đào hố rộng, sâu, đổ thêm đất dinh dưỡng vào đó” - TS Bình cho hay.
|
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cây xanh cho rằng việc trồng cây ở Hà Nội không đúng kỹ thuật. Ảnh: Thành An |
Về việc cây trồng bật gốc lộ ra nguyên bầu, bao tải, bọc lưới nilon TS Bình nhận xét, việc bọc lưới nilon, bao dứa đảm bảo tránh tổn thương rễ cây cũng như tránh mất nước khi di chuyển nhưng khi trồng bắt buộc phải bỏ lớp bọc này nếu không cây trồng sẽ bị ảnh hưởng lớn.
“Để nguyên bọc lưới trồng, cây vẫn sống, sinh trưởng nhờ lớp đất trong bọc. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian rất dài để rễ cây có thể đâm ra, bám vào lớp đất trên vỉa hè, gió to sẽ bật gốc. Nguyên tắc trồng cây đô thị hay cây lâm nghiệp không được để nguyên bọc lưới, đặc biệt bao dứa bọc kín.” - TS Bình nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, khi đánh chuyển cây trồng từ vườn ươm ra phố, bọc lưới nilon, bao tải là cần thiết để tránh cây bị mất nước, bảo vệ rễ non. Tuy nhiên, khi trồng trên phố phải rạch thành nhiều mảnh để rễ cây đâm ra…nhưng trồng mà để nguyên lưới, bao tải là “chuyện lạ”.
“Về nguyên tắc, khi trồng phải tháo bỏ nilon, bao dứa để cây phát triển. Tuy nhiên, tôi thấy một số nơi có áp dụng kỹ thuật mới. Tức là, trước khi đem ra phố trồng, người ta đào cây lên bọc một lớp lưới thoáng, loại lưới che bóng mát, rồi lại trồng xuống vườn ươm. Sau khoảng 3-4 tháng, thì lại đánh nguyên bọc đó mang đi trồng trên phố. Mặc dù, khi trồng trên phố, có thể không cần gỡ bỏ hoàn toàn bọc nilon nhưng nhất thiết phải rạch thành nhiều mảnh để rễ cây đâm ra, bám vào đất xung quanh.” - TS Hiệp cho hay.
|
Một trong những cây xanh ở Hà Nội bị quật đổ do bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 tại đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thành An |
Theo TS Hiệp, hàng loạt cây trồng mới trên đường phố Hà Nội như Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học có tán thưa vẫn bật gốc là do trồng không đúng kỹ thuật.
“Với những cây có đường kính lớn như những cây lát hoa mới trồng, phải đào hố sâu ít nhất 1m, đổ đất phù sa mới làm cây nhanh bén rễ, sinh trưởng tốt” - TS Hiệp nhấn mạnh.