Bất chấp nguy hiểm nhiều cơ sở thu mua phế liệu không phép vẫn hoạt động, những xe chở “bom gas” lao vun vút trên phố kẹt cứng người và xe cộ…
Tin nên đọc
Hà Nam: Chàng Bí thư Đoàn say mê sáng chế máy móc từ phế liệu
Cảnh báo từ các điểm thu mua phế liệu
Nổ kinh hoàng ở Văn Phú: "Soi" lại các cơ sở thu mua phế liệu
Bình Dương: Cháy kho phế liệu, hàng nghìn m2 bị thiêu rụi
Tự do thu mua, chẳng ai nhắc nhở
Theo khảo sát của phóng viên, hiện vẫn tồn tại rất nhiều điểm buôn bán “chui” các loại phế liệu tại các khu đông dân cư như: đường Nguyễn Xiển, phường Hoàng Cầu, phường Đồng Mai (Hà Đông)...
Trong những kho, bãi tập kết phế liệu khổng lồ nhưng trang bị sơ sài, không ai dám chắc trong đó có cả đầu đạn, có thuốc nổ hay bất kỳ thứ gì gây hại.
Xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội được coi là “thủ phủ” sang chiết gas trái phép tồn tại gần chục năm qua. Qua tìm hiểu được biết tình trạng sang chiết gas vẫn đang hiện hữu ngay trong nhà các hộ gia đình của người dân nơi đây.
Với hàng trăm bình ga mini, hầu hết đều cũ nát, có những bình hoen gỉ, nhiều bình gas loại to (bình 12kg) cùng một vài dụng cụ để phục vụ sang chiết: cân đồng hồ, bàn sang chiết thủ công,...
Điều đáng lo ngại, hầu hết các hộ gia đình nơi đây đều sang chiết gas lậu, không có giấy phép hành nghề, toàn bộ các vật dụng để phục vụ sang chiết đều thủ công, hoạt động sang chiết được thực hiện ngay trong một góc sân khuất của từng hộ gia đình và được sang chiết vào nửa đêm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Với những hoạt động không đảm bảo an toàn đó, những quả “bom gas” có thể phát nổ bất cứ lúc nào trong cả vùng dân cư. Bên cạnh nạn sang chiết gas lậu, việc kinh doanh gas của các cơ sở vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Theo cơ quan chức năng, ước tính chỉ có khoảng 50% số cửa hàng trên địa bàn Hà Nội đảm bảo điều kiện kinh doanh gas. Có mặt tại các cửa hàng kinh doanh gas trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, phóng viên ghi nhận trong những căn nhà nhỏ chất đầy những bình gas vượt quá mức quy định, đa phần các cửa hàng chỉ có một lối đi duy nhất ở phía trước mà không hề có lối thoát hiểm nào phía sau. Hầu hết các hộ gia đình đều nấu ăn, ngủ chung tại góc bên trong căn nhà chứa đầy bình gas.
Khi được hỏi về việc quy định các cửa hàng phải có kho chứa hàng tách bạch khỏi nơi bán hàng, phải có tường, cửa chịu lửa (trong 30 phút), cửa thoát hiểm, một chủ cửa hàng khẳng định: “Cả Hà Nội này cũng không có nơi nào đáp ứng được.
Đa phần các cửa hàng do người ta xây, gặp khách nào thì cho thuê khách đấy chứ cũng không ai chủ định chỉ cho thuê để kinh doanh gas. Mấy ngày nay, có nhiều đội kiểm tra liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ nên thời gian tới cửa hàng cũng định mở một cửa đi phía sau”.
|
Ảnh minh họa. |
“Bom” trên phố
Nguy cơ cháy nổ không chỉ tồn tại ở việc mua bán đồng nát, vật liệu nổ, sang chiết, buôn bán gas lậu mà hành vi vận chuyển gas hay bình khí để hàn xì trên đường phố không đúng quy cách cũng đang tiềm ẩn những nguy hại khôn lường.
Những chiếc xe gắn máy được dùng để vận chuyển “bom gas”, bình axêtylen đi giao tới các mối tiêu thụ chỉ còn sườn sắt nhưng “cõng” cả 4 bình gas 12kg “xé gió” lao đi giữa các tuyến phố làm người đi đường nhiều phen khiếp vía.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6223:1996) về yêu cầu vận chuyển chai khí đốt hóa lỏng, xe gắn máy chỉ được phép chở một chai có dung tích chứa đến 50 lít và chở theo phương thẳng đứng.
Tuy nhiên, phần lớn các nhân viên giao hàng bằng xe gắn máy hiện nay vẫn bỏ ngoài tai những quy định này. Theo một chuyên gia kỹ thuật về khí hóa lỏng, bình gas không được phép để nằm ngang, vì nếu để nằm ngang, buồng chứa hơi lúc đó không còn nằm ở vị trí van đóng mở của bình gas nữa.
Khi đó, nếu không may xảy ra hiện tượng van bị xì, do đường xóc hoặc va chạm mạnh, lượng gas thoát ra ngoài sẽ lan tỏa cực lớn trong không gian. Một khi gặp nhiệt độ lớn hoặc nguồn lửa hở sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với người đi đường.
Không những vậy, đa phần hiện nay các cơ sở hàn xì đều sử dụng những bình axêtylen có vỏ bình cũ, đã qua sử dụng nhiều lần, van hư hỏng, thiếu thông số kiểm định an toàn cùng với việc sử dụng không đúng quy cách do thiếu hiểu biết cũng là một trong những nguy cơ cháy nổ cao.
Anh Nguyễn Ngọc Tiến - chủ xưởng cơ khí ở Hà Đông chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên mua bình axêtylen để phục vụ hàn, mỗi lần mua năm đến sáu bình, mua khách quen nên không phải quan tâm đến chất lượng, mặc dù nhìn vỏ bình cũ nhưng làm nghề cả chục năm nay tôi chưa thấy vấn đề gì về mấy chiếc bình này”.
Khi được hỏi kỹ hơn về kiến thức sử dụng bình axêtylen cũng như giấy kiểm định an toàn cho mỗi chiếc bình, anh Tiến lắc đầu nói: “Mua bình cũ giá rẻ hơn, dùng vẫn thấy an toàn nên cứ dùng thôi, chẳng cần đến mấy loại giấy đó làm gì”…