Đó là ông Hồ Văn Thân ở xóm 7, phường Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai, Nghệ An). Trong căn nhà khá khang trang nằm ẩn mình giữa làng có vườn cây, hòn non bộ được bài trí rất đẹp mắt là hình ảnh một lão nông với khuôn mặt hiền hậu cùng mái tóc khá nghệ sỹ đang cặm cụi làm những con rối mà mà không hề biết có khách ghé thăm.
|
Ông Thân bên những "đứa con tinh thần" của mình. Ảnh Duy Ngợi |
Biến phế liệu thành rối
Cách đây hơn chục năm, ông Thân từng tham gia vào đội múa rối của làng đi biểu diễn khắp nơi. Khi ấy, rối làng quê ông là những con rối thăng (biểu diễn dưới nước) nhưng vì “cơm áo gạo tiền”, số thành viên bỏ nghề ngày một nhiều rồi cuối cùng đội múa rối của làng phải giải thể.
Không còn những lần đi đây đó biểu diễn đó đây, ông Thân chỉ biết để hằng ngày lấy những chú rối còn giữ lại được đem ra ngắm nghía cho thỏa lòng nhớ mong. Rồi một ngày kia, ông chợt nghĩ: “Chẳng lẽ lại để rối làng mình chìm vào lãng quên? Mình phải làm một cái gì đó mới được!”.
Tuy nhiên một mình ông không thể điều khiển cùng một lúc nhiều chú rối theo đúng các hoạt cảnh mà mình dàn dựng được. Trăn trở bao nhiêu đêm, cuối cùng ông quyết tự mày mò tìm hiểu, tự mình chế ra một dàn rối tự động chạy bằng điện để cùng một lúc tất cả các nhân vật đều có thể biểu diễn theo một hoạt cảnh dựng sẵn.
|
Qua bàn tay khéo léo của ông Thân, những con rối điện trở nên rất có hồn. Ảnh Duy Ngợi |
Để có được những con rối điện hoạt động trên dàn rối, ông Thân phải mất hàng tháng trời dày công nghiên cứu kỹ từng nhân vật cho phù hợp. Tiếp đến, ông tim mua các nguyên vật liệu bằng vải, sơn, gỗ, nhôm... rồi các chi tiết cơ khí như trục chuyển động bánh răng... về chế tác thành các con rối tự động. Khó khăn nhất là công đoạn từ những con rối đơn lẻ, ghép lại thành từng hoạt cảnh, phải làm sao cho động tác của các con rối phải ăn khớp với nhau và sống động.
Theo ông, tất cả các nhân vật trên dàn rối đều sử dụng một mô tơ chính nhưng mỗi nhân vật lại phải có một mô tơ phụ để sử dụng riêng. Làm được một giàn rối với khoảng 8-13 nhân vật rất công phu, mất thời gian nhiều và đòi hỏi người làm rối điện phải kiên trì, tỉ mẩn.
Muốn tạo được những chiếc mô tơ ấy, ông Thân thường tận dụng các mô tơ quạt điện bị hỏng, các loại bánh răng tự chế để tạo nên “động cơ” hoạt động cho cả dàn rối và từng con rối điện. Tranh thủ những lúc nông nhàn rảnh rỗi, hay những hôm trời mưa gió không đi làm đồng, ông lại lôi các thứ đồ nghề ra làm.
Mỗi ngày một dành một ít thời gian, cuối cùng qua bàn tay tài hoa, khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình, những thứ tưởng như là đồ bỏ đi ấy đã được ông Thân hóa thành những nhân vật có hồn, khiến người xem thích thú. Đó là cô gái Thái, chàng trai người Mông, liền anh, liền chị quan họ đến những nét bình dị, gần gũi chốn quê nhà như ông lái đò, người nông dân đi cày, con trâu...
Không những đam mê và dành trọn tuổi già cho những con rối điện, ông Thân còn khoe mình đã sưu tầm và thuộc rất nhiều làn điệu dân ca của các vùng, miền. Giờ lúc nào, ông cũng có thể hát và nghe dân ca mà không biết chán.
|
Cận cảnh một con rối điện do ông Thân tự chế. Ảnh Duy Ngợi |
Mong được truyền nghề
Nói rồi, ông đưa khách xuống một gian nhà nhỏ, nơi ông cất giữ “niềm đam mê” của mình. Xuống đến nơi, khó ai hình dung được gia tài rối điện của ông Thân lại đồ sộ đến thế. Sau hơn chục năm trời miệt mài và cần mẫn với những “đứa con tinh thần”, ông khoe đã có 9 dàn rối tự động gồm hàng trăm con rối các loại. Vừa kéo từng bao ni lông bọc kỹ từng chú rối để khách xem được rõ hơn, ông Thân vừa tâm sự: “Với tôi, những con rối điện đã thành những người bạn tri âm rồi nên giờ khó mà rời xa chúng. Biết tôi say mê với rối, vợ con cũng ủng hộ nhiệt tình thôi nhưng nhiều lúc làm rối hăng say đến nỗi mà quên gánh mạ ra đồng cho vợ con cấy khiến bà nhà mắng cho vì sợ không kịp mùa vụ”.
Như để khách có cơ hội được thưởng thức màn biểu diễn rối điện của mình, ông Thân liền gọi anh con rể lên phụ ông lắp đặt các thứ cần thiết. Vừa cắm công tắc cho dàn rối hoạt động, ông Thân vừa giới thiệu: Dàn rối này gồm 11 “nghệ sỹ” sẽ trình bày làn điệu dân ca của người Tày. Cái hay của những con rối điện là ở chỗ một người có thể điều khiển cả một dàn rối hàng chục con theo từng hoạt cảnh đã được dàn dựng sẵn.
Ông vừa dứt lời thì những âm thanh rộn ràng từ dàn rối vang lên, những “nghệ sỹ’ người Tày trong trang phục dân tộc của mình người đàn, người vỗ trống thật sinh động khiến người xem phải trầm trồ, thán phục. Thì ra, mỗi dàn rối, ông Thân đã tìm chọn một bản nhạc, hoặc một bài hát phù hợp với từng hoạt cảnh đó rồi ghi sẵn vào đĩa CD và khi trình diễn thì bài hát, bài hát đó sẽ được phát lên loa và tiết mục biểu diễn mà khách vừa được xem cũng hoạt động theo cách ấy.
|
Những con rối điện được ông Thân nâng niu. Ảnh Duy Ngợi |
Không chỉ dành nhiều thời gian và công sức cho những con rối điện, ông Thân còn tự bỏ tiền túi để mua những thiết bị cần thiết cho các chương trình biểu diễn như loa, âm ly, thiết bị ánh sáng. “Mình làm rối thì chỉ là một thú vui thôi chứ đây đâu phải là một nghề để kiếm tiền. Vui nhất là khi đi diễn, thấy bà con hào hứng đến xem và thích thú, tôi lại thấy có niềm yêu và gắn bó với những con rối hơn”.
Khi hỏi về dự định tương lai, ông Thân cho biết muốn tìm những người trong đội rối năm xưa khôi phục lại trò múa rối của làng. Ngoài ra, ông cũng hy vọng sẽ truyền được nghề cho những người trẻ để có thể bảo tồn một nét đẹp, một nét văn hóa truyền thống độc đáo đang có nguy cơ mai một, lãng quên.
|
Ông Thân đang biểu diễn dàn rối điện chơi nhạc. Ảnh Duy Ngợi |