Không tố giác tội phạm có phải là đồng phạm với người phạm tội hay không, "Không tố giác tội phạm" và "Đồng phạm" khác nhau như thế nào?
"Đồng phạm" và tội "Không tố giác tội phạm" đều được coi là hành vi xâm phạm tới hoạt động tư pháp của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, chủ thể thực hiện của các hành vi này đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Vậy "Không tố giác tội phạm" có phải là đồng phạm với người phạm tội hay không? "Không tố giác tội phạm" và "Đồng phạm" khác nhau như thế nào?
|
Hình minh họa. |
Tội "Không tố giác tội phạm" là gì?
Hiện nay, mặc dù không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm hay định nghĩa của hành vi “Không tố giác tội phạm”, tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, và quy định về khái niệm của “Tố giác về tội phạm” được quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có thể hiểu về hành vi "Không tố giác tội phạm" như sau:
"Không tố giác tội phạm" là việc biết mà không báo, phát hiện hành vi phạm tội mà coi như không biết, im lặng, không trình báo cho cơ quan chức năng được biết để xử lý.
Việc phát hiện tội phạm có thể diễn ra khi người phạm tội đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội hoặc trong khi hành vi phạm tội đang được thực hiện hoặc đã thực hiện xong.
Bên cạnh đó, người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Tội "Đồng phạm" là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Theo đó, người đồng phạm bao gồm:
- Người tổ chức: Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Lưu ý rằng, không phải mọi vụ án đồng phạm đều có người tổ chức. Người giữ vai trò là người tổ chức sẽ thường xuất hiện trong các vụ án phạm tội có tổ chức.
- Người thực hành: Là người trực tiếp thực hiện tội phạm, hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm bởi họ là người trực tiếp thực hiện phạm tội. Dù đồng phạm giản đơn hay phạm tội có tổ chức thì bao giờ cũng có người thực hành.
- Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi xúi giục thực hiện trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, hành vi xúi giục phải cụ thể nhằm vào tội phạm cụ thể và người phạm tội cụ thể. Trường hợp hành vi đó chỉ là lời nói có tính chất thông báo, gợi ý chung chung không cụ thể thì không thể coi là người xúi giục.
- Người giúp sức: Là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức được thể hiện như sau:
+ Cung cấp công cụ, phương tiện, thông tin cần thiết để thực hiện tội phạm;
+ Khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm;
+ Hứa che giấu người phạm tội hoặc hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có...
+ Hành vi này không trực tiếp gây thiệt hại cho khách thể mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm.
Trong đó, một vụ án đồng phạm không phải lúc nào cũng có đủ 04 loại người đồng phạm nêu trên, một người có thể đóng nhiều vai trò đồng phạm.
Sự khác nhau giữa "Đồng phạm" và "Không tố giác tội phạm"
"Đồng phạm" là người tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện tội phạm, thông qua các hành vi tổ chức, xúi giục, thực hành, giúp sức, hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm được diễn ra.
Còn hành vi "Không tố giác tội phạm" là không tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện tội phạm nhưng không tố giác hành vi phạm tội tới cơ quan có thẩm quyền khi biết rõ hành vi phạm tội sẽ, đã và đang xảy ra.
Hành vi không tố giác tội phạm không có sự hứa hẹn trước với người thực hiện tội phạm.
Hành vi không tố giác tội phạm luôn được thực hiện dưới hình thức không hành động, tức là không làm một việc mà pháp luật yêu cầu buộc phải làm. Đây là điểm khác biệt cơ bản với hành vi đồng phạm.
Chủ thể được xác định là "Đồng phạm" có thể là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và tham gia vào quá trình thực hiện tội phạm thông qua các hành vi tổ chức, xúi giục, thực hành và giúp sức.
Còn Chủ thể của hành vi "Không tố giác tội phạm" là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng (tại khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015).
"Không tố giác tội phạm" hay "Đồng phạm" đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tư pháp của cơ quan thực thi pháp luật.
Chủ thể thực hiện các hành vi này đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) để răn đe và phòng ngừa chung.