Việc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội) được Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định cho phép đào tạo ngành y, dược, vẫn chưa hết “nóng” trên truyền thông.
Điều mà dư luận lo ngại không phải là không có cơ sở, trong khi không biết bao nhiêu bác sĩ, dược sĩ được đào tạo chính quy vẫn chưa có việc làm.
Tất nhiên, “lỗi” không có việc làm không phải lý do duy nhất là dư thừa nguồn nhân lực đào tạo. Phần lớn là sau khi được đào tạo thì các bác sĩ, dược sĩ trẻ vẫn nuôi ước vọng được làm việc ở bệnh viện lớn, ở thành phố, không mấy ai mặn mà gắn bó nơi vùng sâu, miền núi.
Ở một số bệnh viện lớn, có tình trạng “bác sĩ không lương”, đó là những bác sĩ trẻ vừa ra trường sẵn sàng làm việc không lương ở các bệnh viện lớn, vừa học hỏi được kinh nghiệm, vừa chờ cơ hội để ở lại thành phố. Chính vì lẽ đó mà ngành y tế vẫn phải giữ hệ đào tạo cử tuyển, dù vẫn biết rằng, có được đào tạo chính quy “đàng hoàng” thì “chất lượng” đầu ra vẫn như… học cho có bằng.
Phapluatplus đã đề cập đến thực trạng bác sĩ cử tuyển. Hẳn ngành y biết cũng đã rất rõ. Song muốn từ bỏ cũng rất khó. Không đào tạo thì thiếu hụt nguồn nhân lực cho vùng xa, miền núi cho nên đành chấp nhận thực trạng có bác sĩ còn hơn không.
Nghịch cảnh “có còn hơn không này” đã dẫn đến tình trạng người bệnh sợ bác sĩ tuyến cơ sở, cứ phải nhất nhất đổ về các bệnh viện lớn để đổi lấy sự… “yên tâm” điều trị.
Thực tế đã có câu trả lời, vì sao người bệnh lại “né” tuyến dưới, đổ xô về bệnh viện tuyến trung ương, dẫn đến sự quá tải ở các bệnh viện lớn.
Vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đã quyết cho phép đào tạo bác sĩ “kinh công” (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ), trong khi Bộ Y tế thì vẫn còn chần chừ “người gật, người không”.
Người không thì vì trách nhiệm, người đồng ý lại có thẩm quyền quyền ký. GS Trần Phương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã tiết lộ rằng, ý kiến của ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) không đủ đại diện cho Bộ Y tế, còn người ký quyết định lại là Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Vinh Hiển thì giải thích “mập mờ” rằng, việc cấp phép cho đào tạo ngành y, dược có độ vênh giữa hai bộ là do… hiểu nhầm.
Hiểu nhầm sao được thưa thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, cử đơn cử chuyện “người thầy”, Bộ y tế yêu cầu có tối thiểu 50 giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trường đã có 47 người.
Thật tiếc khi cả Bộ GD&ĐT và cả GS Trần Phương - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đang né một sự thật hết sức quan trọng, đó là, chỉ có 17/47 giảng viên cơ hữu có cam kết làm việc với nhà trường. Còn lại 30 giảng viên sẽ đẩy nhà trường vào thế “ăn đong” giảng viên.
Không hiểu do quá nôn nóng hay không mà GS Trần Phương lại tiết lộ rằng, trường mở ngành y, dược, trường không hề đút lót, còn Bộ GDĐT lại lo ngại, nếu không cho mở ngành thì lại bị cho là cửa quyền.
Hóa ra chỉ vì sợ hai chữ cửa quyền mà Bộ GDĐT sẵn bút ký quyết định cho đào tạo ngành đặc thù một cách tràn lan, bất chấp hậu quả trong tương lai.
Học phí ngành y là 50 triệu đồng/ năm, ngành dược là 25 triệu đồng/ năm. Vị chi 6 năm học thì có được tấm bằng “bác sĩ, dược sĩ kinh công” cũng tốn cả non nửa nửa tỷ đồng, liệu mục đích đào tạo của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ có đáp ứng được đưa số bác sĩ, dược sĩ “giàu có” này về miền núi, vùng xa, để “cân đối” tỷ lệ bác sĩ/ người dân.
Thưa GS Trần Phương, dư luận đang lo ngại ngành y và dược của trường mở ra là đáp ứng cho con nhà giàu, con quan vào học, có tấm bằng để hợp thức hóa…một chỗ làm mà thôi.
Tiếc cho những thí sinh chỉ thiếu có nửa điểm cũng tạm giác giấc mơ vào giảng đường trường y, dù điểm chuẩn vào trường này cao nhất trong các trường ĐH, nhưng các thí sinh này cũng không thể có giấc mộng “bác sĩ tương lai” ở ngôi trường “kinh công” vì học phí sẽ phải trả không chỉ bằng nước mắt và có thể bằng cả máu của phụ huynh.