Nghe nhạc của nhạc sĩ Phú Quang như bình rượu ủ nhiều năm. Men rượu như men nhạc, càng ủ càng nồng, càng nhâm nhi càng đượm, càng say. Hầu hết, các liveshow của ông “tua đi tua lại” những bài “xưa như trái đất”. Ấy thế mà thiên hạ “chết đứ đừ” nô nức kéo nhau mua vé dù giá không hề rẻ. Cứ thấy pano treo “dung nhan” của ông là đảm bảo chương trình đó “cháy” vé. Thế mới lạ.
Những cuộc “se duyên” ngọt ngào
Nhạc sĩ Phú Quang là người nổi tiếng với việc “se duyên” giữa thi ca và âm nhạc. Với ông, ca khúc viết trên lời thơ thường giàu hình ảnh, giàu xúc cảm và dễ đi vào lòng người. Và việc chọn lựa các bài thơ để phổ nhạc cũng là cách thể hiện bản sắc. Trong cuộc “se duyên” ấy, ông luôn là người “chơi đẹp”. Có bài ông giữ nguyên phổ nhạc như “Tình khúc 24” của Dương Tường hay “Khúc mùa Thu” của Hồng Thanh Quang, nhưng cũng có bài ông chỉ lấy một câu như “Hà Nội ngày trở về,” “Mẹ”… Dù chỉ dùng một câu hay vài chữ của người ta thôi, ông vẫn luôn đề rõ trong tác phẩm lời phổ thơ họ, để tỏ lòng tôn kính đối với người đã gợi cảm hứng sáng tác cho mình.
|
Nhạc sỹ Phú Quang |
Ông từng chia sẻ: “Tôi thích đọc sách, xem tranh và phim, thực lòng muốn viết văn hơn là sáng tác nhạc. Nhưng tài mọn không làm được, đành đem niềm yêu thích đó vào nhạc vậy. Với tôi, ca từ quan trọng không kém gì nhạc. Nó có vai trò bình đẳng như âm nhạc. Trong thành tựu sáng tác của tôi, có công lao của các nhà thơ. Tôi luôn cố gắng tạo cơ hội để khán giả nhớ tới họ. So với tôi, họ thiệt thòi hơn”.
Nhạc Phú Quang như mê hoặc lòng người. Nghe nhạc của ông, ăm ắp những nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn ấy đầy tính chiến đấu. Nghe xong nỗi buồn ấy, người ta muốn phấn đấu vươn lên, chứ không phải gục xuống. Càng nghe nhiều, càng cảm thấy day dứt, xót xa, vì dường như cái khoảng trống trong lòng người nghệ sĩ muôn đời chẳng thể lấp đầy. Thở than nhưng không bi luỵ. Muộn phiền nhưng không gục gã. Có nó, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhạc sĩ nói: “Khi sáng tạo nghệ thuật là khi mình được sống đúng với con người mình. Nhiều lúc cũng thèm được vui, được mang một không khí sôi động vào âm nhạc nhưng không được. Không giả vờ vui được. Người ta bảo văn là người. Cái tạng của mình nó thế rồi, không thay đổi được”.
Thỉnh thoảng “mở két” tặng khán giả một, hai bài mới
Nghe nhạc của nhạc sĩ Phú Quang như bình rượu để ủ nhiều năm. Men rượu như men nhạc, càng ủ càng nồng, càng nhâm nhi càng đượm, càng say. Ông là nhạc sĩ hiếm của làng nhạc Việt khi mỗi năm thực hiện 1-2 liveshow “đều như vắt chanh”. Các liveshow của ông “tua đi tua lại” những bài “xưa như trái đất”. Ấy thế mà thiên hạ “chết đứ đừ” nô nức kéo nhau mua vé xem liveshow của ông dù giá không hề rẻ. Ông tự tin: “Nếu tác phẩm có giá trị đích thực sẽ không bao giờ cũ cả. Khi nào khán giả còn thích nghe, còn muốn thưởng thức thì khi đó nó vẫn còn giá trị”. Bảo sao, cứ thấy pano treo “dung nhan” của ông là đảm bảo chương trình đó “cháy” vé. Thế mới lạ.
Tới đây, nhạc sĩ “Em ơi, Hà Nội phố” lại hội ngộ khán giả Hà thành bằng liveshow “Những con đường anh đã đi qua” diễn ra trong 3 ngày (15,16,17/12) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Khán giả yêu nhạc Phú Quang sẽ một lần nữa được đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình yêu, về thân phận qua những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông như: “Đâu phải bởi mùa thu”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều không em”, “Nỗi nhớ”… Điểm giống nhau ở các liveshow của nhạc sĩ họ Nguyễn này là hầu hết các bài hát cũ. Thỉnh thoảng ông mới “mở két” tặng khán giả một, hai bài mới trong gia tài hàng trăm bài hát chưa “trình làng”. Như liveshow lần này, là sự ra mắt “Tự khúc mưa” do chính ông hát, khơi lại những kỷ niệm xưa cũ, đong đầy. “Vì sao nhạc sĩ lại “trình làng” một cách “nhỏ giọt”? Nhạc sĩ Phú Quang cười: “Tôi dành những bài hát mới để “ăn dần” cho đến hết đời. Coi đó là lương hưu của mình”.
Một điều đặc biệt trong chương trình này là những câu chuyện bằng âm nhạc của nhạc sỹ Phú Quang sẽ được kể một cách sinh động hơn qua những thước phim của đạo diễn Phạm Việt Thanh - những thước phim không có mở đầu và không hề kết thúc. Mỗi tác phẩm có thể tự tìm thấy một câu chuyện khác nhau, cảm nhận những cảm xúc khác nhau cho riêng mình.
“Những nẻo đường anh đã đi qua”- nhạc sĩ chọn tên đó cho liveshow của mình. Bởi lẽ, ông thích điều giản dị. Ông quan niệm: “Trong đời sống, khó nhất là làm điều giản dị bởi sự giản dị không đồng nghĩa với sơ lược, đơn giản mà là những gì tinh túy, chân thành, dễ chạm vào trái tim mọi người”. Ông không thích đi quốc lộ mà chỉ thích đi nẻo đường. Quốc lộ, nhiều phương tiện đi lại chằng chịt, chưa kể khói bụi, tiếng còi xe làm ông thấy bất an, mất thăng bằng. Ông thích tìm những nẻo đường nhỏ, vắng người, thanh bình. Ở đó, ông không phải chen chúc, không lo bị xô đẩy, đố kỵ. Nhạc sĩ của “Tình khúc 24”, có thể thong dong, thả hồn suy nghĩ “mối lái” thơ vào nhạc để cho ra đời những bài ca bất hủ.
Rất nhiều người ái mộ, sẵn sàng mua vé để nghe những bản tình ca của ông. Nhưng không vì thế ông làm ẩu. Đêm nhạc là để các nghệ sĩ thăng hoa, được sống hết mình với âm nhạc, chuyên chở những nỗi niềm riêng. Chẳng lạ, ông không ngại vất vả, tốn kém để mời những nghệ sĩ hiểu nhạc của ông: Ngọc Anh, Thanh Lam, Mỹ Hạnh, Tấn Minh… Các nghệ sĩ tham gia phải hát nghiêm túc và tập duyệt rất kỹ càng. Khi biểu diễn, ai đó hát sai lời, ông sẽ “stop” ngay đêm sau. Không chỉ chú trọng về giọng hát, đêm nhạc của Phú Quang còn được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng từ sân khấu, hiệu ứng ánh sáng tới kịch bản chi tiết. Như lời nhạc sỹ Phú Quang đã nói, ông chỉ muốn làm nhưng đêm nhạc của mình một cách chu đáo và tỉ mỉ nhất, bằng chính cái tâm của người nghệ sỹ.
Nhiều người cho rằng với một nhạc sĩ tài hoa như Phú Quang chắc hẳn được rất nhiều cô gái si mê. Ông xua tay, cười lớn: “Nói thật là tôi có rất nhiều cô gái yêu nhưng đó là yêu nhạc của tôi, chứ đâu có yêu tôi. Tôi cứ nói đùa là giờ đổi một nghìn cô thích nhạc lấy một cô thích người thì thật hạnh phúc”.