Zhou Xinsen giống hàng nghìn người đàn ông Trung Quốc độc thân khác, tìm cô dâu Việt là giải pháp đối phó sự cô đơn.
|
Một người đàn ông đứng giữa cánh đồng nhìn về phía ngôi nhà cao tầng ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Từng ly dị, ngoài 40 tuổi, lo sợ tương lai cô độc về già, tìm cô dâu Việt là giải pháp nhanh nhất và hợp lý nhất mà Zhou nghĩ tới để giải quyết nỗi lo của mình. Zhou là một trong số hàng triệu đàn ông Trung Quốc đang vật lộn bên lề thị trường hôn nhân đầy cạnh tranh ở Trung Quốc, theo AFP.
"Rất khó để một người ở độ tuổi như tôi lấy được vợ người Trung Quốc", Zhou, 41 tuổi, nói.
Chính sách một con kéo dài hàng thập niên, cùng tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn tới nạn phá thai chọn lọc giới tính ở Trung Quốc. Đàn ông độc thân được gọi là "quang côn" (cành không lá), từ không mấy lịch sự để chỉ những người "ế vợ" tại một đất nước nơi áp lực kết hôn và mở rộng cây phả hệ của gia đình rất lớn.
Chạy đua với thời gian, Zhou đã bỏ ra gần 20.000 USD tìm vợ lần nữa, một phụ nữ 26 tuổi người Việt Nam, sau đó chuyển tới Giang Tô sinh sống.
"Đối với người tuổi tôi, thời gian mua được bằng tiền", Zhou nói.
Lấy vợ, Zhou mở doanh nghiệp riêng làm dịch vụ mai mối, tham gia vào ngành thương mại môi giới cô dâu nước ngoài trị giá hàng triệu đôla mỗi năm tại Trung Quốc.
Zhou tính phí 17.400 USD để mai mối đàn ông Trung Quốc với cô dâu Việt qua trang web của mình. Trên trang đăng nhiều ảnh phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 35 "đang chờ lấy chồng".
Việc làm ăn "có lời", Zhou cho hay, nhưng từ chối tiết lộ số tiềm kiếm được. Một phần trong số tiền phí môi giới được Zhou chuyển lại cho các gia đình cô dâu nghèo ở những quốc gia nghèo khu vực sông Mekong.
Nhiều cuộc hôn nhân suôn sẻ, cũng có nhiều cuộc nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, bởi cô dâu thất vọng với cảnh nghèo đói ở vùng nông thôn Trung Quốc chẳng khác gì ở Campuchia, Lào, Việt Nam hay Myanmar.
Đàn ông "ế vợ" Trung Quốc thường là những người lớn tuổi, đã ly dị, tàn tật hoặc quá nghèo, không trả nổi tiền sính lễ để lấy vợ người Trung Quốc. Năm ngoái, số tiền này đã tăng từ 22.000 USD lên 29.000 USD ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc.
Vấn đề bắt đầu khi cô dâu ngoại cảm thấy bị lừa, Zhou nhận định. Để bày tỏ thiện chí, hàng tháng chàng rể Trung Quốc này vẫn gửi biếu bố mẹ vợ 175 USD.
"Số tiền này chẳng là gì với chúng ta, nhưng lại là khoản lớn đối với họ", Zhou nói.
Jiang Quanbao, giáo sư Viện nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An cho biết đàn ông Trung Quốc đối mặt với hàng loạt áp lực về kinh tế, tâm lý và văn hóa khi tìm vợ.
"Hôn nhân không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn liên quan tới toàn bộ gia đình, đặc biệt là bố mẹ", Jiang nói.
Trong lúc phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thành thị, trì hoãn hôn nhân để tập trung vào công việc, học tập và tận hưởng cuộc sống, thì phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc có xu hướng rời bỏ làng quê lên thành phố. Những người đàn ông ở lại nông thôn mà chưa lấy vợ trở thành vấn đề "gây xấu mặt" gia đình trong một cộng đồng có mối quan hệ chặt chẽ, Jiang nhận xét.
Kỳ vọng xã hội đã thúc đẩy những vụ giao dịch mua bán cô dâu nghiệt ngã. Theo một số tổ chức giải cứu phụ nữ ở khu vực sông Mekong, số lượng phụ nữ và trẻ em gái từ những quốc gia láng giềng với Trung Quốc bị bắt cóc, lừa đảo hoặc ép kết hôn đang gia tăng.
"Mua một phụ nữ bị bắt cóc trở thành lựa chọn cuối cùng cho những người đang tuyệt vọng", Jiang nói.
Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc giải cứu hàng chục phụ nữ bị ép lấy chồng Trung Quốc ở các tỉnh Hà Nam, An Huy, Sơn Đông và Giang Tô, trong bối cảnh ngành mua bán cô dâu đang vươn rộng sang các tỉnh phía đông nước này.
Luật pháp Trung Quốc quy định tội buôn bán và bắt cóc phụ nữ, trẻ em bị phạt tù từ 5 tới 10 năm. Nhưng các nhà phê bình cho rằng luật pháp chưa sửa đổi kịp thời trong bối cảnh số lượng các vụ mua bán cô dâu đang tăng nhanh.
"Đây là ngành siêu lợi nhuận, không có động lực ngăn chặn những kẻ buôn người chấm dứt", Mimi Vu, chuyên gia của tổ chức Pacific Links có trụ sở tại Việt Nam chuyên ngăn chặn nạn buôn người, bày tỏ.
Bắc Kinh bãi bỏ chính sách một con và chuyển sang khuyến khích sinh hai con từ năm 2016, nhưng các chuyên gia cho rằng phải mất nhiều thập niên mới có thể thúc đẩy số lượng phụ nữ đủ tuổi kết hôn ở nước này. Điều đó nghĩa là ngành buôn bán cô dâu không có khả năng suy giảm trong tương lai gần.
Zhou gọi công việc của mình là "phục vụ công chúng" tại quốc gia nơi đàn ông đang nhiều hơn phụ nữ 33 triệu. Nhưng hàng loạt câu chuyện về những kẻ môi giới ranh mãnh, phụ nữ bị buôn bán và cô dâu cầm tiền bỏ trốn đầy rẫy trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến người ta ngày càng nghi ngại về những người làm nghề dịch vụ như Zhou.
"Đó là một ngành công nghiệp, mà nhiều người kết hôn nhằm mục đích lừa đảo", một người dùng Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, bình luận. "Đã tới lúc chính phủ cần quản lý ngành này".
Một người đàn ông ở tỉnh Hồ Bắc cho biết đã trả cho người môi giới 8.700 USD để lấy một phụ nữ Việt Nam. Cô này bỏ đi sau ba tháng, cũng bỏ luôn đứa con trong bụng để lấy chồng khác.
"Giờ tôi mất cả tiền lẫn vợ", anh này nói. "Tôi trở thành trò cười trong làng".