Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng nghề môi giới không đòi hỏi nhiều chất xám, ai cũng có thể làm được, chỉ cần có duyên ăn nói là có thể kiếm tiền. Quan điểm này vô tình phủ nhận sự nỗ lực và chuyên môn của hàng trăm nghìn nhà môi giới đang hoạt động trong lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp, bài bản và có trách nhiệm.
Liên quan đến thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều định kiến về nghề môi giới bất động sản, mới đây Hiệp hội môi giới bất động sản (VARS) đã có những nhận định liên quan đến vấn đề này.
Theo VARS nghề môi giới bất động sản từ lâu đã bị gán mác “cò đất” và xem nhẹ vai trò. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác.
Những người làm nghề môi giới chuyên nghiệp không chỉ kết nối giao dịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý, hỗ trợ tài chính và đảm bảo quyền lợi cho cả người mua lẫn người bán.
Đánh giá nghề môi giới chỉ bằng những định kiến cũ kỹ không chỉ là một sự bất công, mà còn là một cái nhìn phiến diện về một ngành nghề đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
 |
Nhìn nhận đúng về nghề môi giới bất động sản. |
Nhìn nhận đúng để đánh giá công bằng
Môi giới bất động sản từ lâu đã bị gán ghép với nhiều định kiến, trong đó phổ biến nhất là việc so sánh với “cò đất” – một thuật ngữ mang tính tiêu cực, chỉ những người làm trung gian mua bán bất động sản mà không có chuyên môn, không cần kiến thức hay kỹ năng đặc biệt.
Trên mạng xã hội, không ít ý kiến cho rằng nghề môi giới không đòi hỏi nhiều chất xám, ai cũng có thể làm được, chỉ cần có duyên ăn nói là có thể kiếm tiền.
Quan điểm này vô tình phủ nhận sự nỗ lực và chuyên môn của hàng trăm nghìn nhà môi giới đang hoạt động trong lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp, bài bản và có trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, môi giới bất động sản không chỉ dừng lại ở việc kết nối người mua và người bán để nhận hoa hồng.
Đây là một ngành nghề đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kỹ năng đa dạng, bao gồm pháp lý, tài chính, quy hoạch đô thị, xu hướng thị trường và tâm lý khách hàng.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 60% giao dịch bất động sản có sự tham gia của môi giới chuyên nghiệp, cho thấy vai trò quan trọng của họ trong việc đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc thiếu thông tin hoặc hiểu sai về pháp lý là nguyên nhân dẫn đến 70% tranh chấp trong giao dịch bất động sản.
Điều này càng khẳng định vai trò của các nhà môi giới trong việc tư vấn, hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định chính xác, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tài chính.
 |
Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam Trần Văn Bình. |
Chính các nhà môi giới là những người giữ vai trò nòng cốt trong thị trường, không chỉ cung cấp thông tin về bất động sản mà còn đóng vai trò tư vấn chiến lược, giúp khách hàng đánh giá tiềm năng đầu tư, dự báo xu hướng giá cả. Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý, đảm bảo các giao dịch diễn ra minh bạch và an toàn.
Mỗi năm, đội ngũ môi giới đóng góp vào hàng triệu giao dịch với tổng giá trị lên đến hàng triệu tỷ đồng, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa cung và cầu trên thị trường.
Bên cạnh việc giúp người dân tìm được nơi an cư phù hợp, lực lượng này còn thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, gián tiếp góp phần tăng trưởng GDP quốc gia.
Sự khác biệt giữa nhà môi giới chuyên nghiệp và “cò đất”
Không ít người vẫn đánh đồng môi giới bất động sản với "cò đất", nhưng thực tế, giữa hai khái niệm này có sự khác biệt một trời một vực.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, từng nhấn mạnh: "Một thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững không thể thiếu những nhà môi giới chuyên nghiệp." Vậy thế nào là một môi giới chuyên nghiệp, và vì sao "cò đất" lại bị xem là yếu tố gây nhiễu loạn thị trường?
Nhà môi giới chuyên nghiệp: Phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoạt động trong các tổ chức có đăng ký kinh doanh hợp pháp, tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Họ có kiến thức về thị trường, pháp lý và kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, giúp khách hàng đưa ra quyết định đúng đắn.
“Cò đất”: Thường là những người làm việc tự phát, không có chứng chỉ hành nghề, thiếu hiểu biết về pháp lý, và đôi khi cung cấp thông tin sai lệch để trục lợi. Điều này không chỉ gây rủi ro cho khách hàng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề môi giới, theo quy định mới của Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, từ ngày 01/01/2025, cá nhân hành nghề môi giới bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong một tổ chức có đăng ký hợp pháp.
Quy định này nhằm loại bỏ những cá nhân làm nghề theo bản năng, thiếu chuyên môn, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Trước những định kiến không công bằng, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), khẳng định: “Nghề môi giới mở cửa cho nhiều người, nhưng để đi được đường dài, người làm nghề phải hiểu rõ thị trường, quy hoạch, pháp lý, thành thạo kỹ năng tài chính, tư vấn, thương lượng. Chúng tôi không cần ai gọi nghề này là cao quý, chỉ mong một điều: Đừng coi thường nó.”
Cùng quan điểm đó, tại một sự kiện lớn về nghề môi giới bất động sản vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh vai trò quan trọng của môi giới bất động sản đối với nền kinh tế: “Môi giới Bất động sản đóng vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của thị trường và nền kinh tế. Họ không chỉ kết nối cung – cầu mà còn đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và người dân.”
Môi giới bất động sản không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn đóng góp giá trị to lớn cho nền kinh tế và xã hội.
Thay vì nhìn nhận họ bằng những định kiến phiến diện, hãy đánh giá họ qua những gì họ mang lại cho thị trường và khách hàng.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng minh bạch và chuyên nghiệp hóa, việc tôn trọng và công nhận giá trị thực sự của nghề môi giới bất động sản không chỉ là một sự công bằng mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.