Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vừa gửi lên Bộ Công Thương cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc Chính phủ Mỹ áp dụng cấm vận đối với nhà thầu của dự án là Power Machines (PM - Nga).
|
Nhà thầu Power Machines (PM - Nga) bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận bởi Bộ Tài chính Mỹ khiến dự án Nhiệt điện Long Phú 1 gặp nhiều khó khăn.p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica; min-height: 16.0px} p.p3 {margin: 0.0px 0.0px 13.0px 0.0px; font: 13.0px Helvetica} |
Theo báo cáo PVN, Nhà thầu PM đã đề xuất tiến độ triển khai dự án kéo dài thêm từ 18-42 tháng tuỳ thuộc vào các kịch bản khác nhau để tiếp tục thực hiện dự án của Liên danh Tổng thầu PM và nhà thầu phía Việt Nam là PTSC.
Theo quy định của Hợp đồng EPC, nhà thầu PM có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư làm việc với ngân hàng để thu xếp vay vốn hợp đồng tín dụng xuất khẩu (ECA) là 740 triệu USD và phần còn lại của hợp đồng EPC bằng vay thương mại.
Tuy nhiên, đến nay việc vay vốn cho dự án từ các nguồn vốn vay của Đức, Ý, Hàn Quốc không còn khả thi do ảnh hưởng của lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đối với PM. Số lượng vốn vay từ các ngân hàng của Liên Bang Nga gồm: vốn vay Ngân hàng IIB không có bảo lãnh Chính phủ tối đa 100 triệu USD; khoảng 187 triệu EUR được thu xếp từ nguồn Ngân hàng VEB, không có bảo lãnh Chính phủ.
Ngoài ra, VEB đang xem xét khoản vay thương mại với giá trị không lớn hơn giá trị tài trợ cho hàng hoá dịch vụ có xuất xứ từ Nga, giá trị dự kiến khoảng gần 200 triệu EUR.
Hiện PVN, Ban Quản lý dự án, Tư vấn PVCombank đã cung cấp hồ sơ để VEB thẩm định khoản vay cho dự án, dự kiến sẽ triển khai đàm phán chi tiết với các ngân hàng Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên, phần thiếu của dự án lên tới khoảng 700 triệu USD được PVN đánh giá là “rất lớn và chưa xác định được nguồn vay”.
Không chỉ vấn đề thu xếp vốn, báo cáo của PVN cũng cho biết, hiện tại nguồn nhân lực và khả năng quản lý, triển khai hợp đồng EPC của nhà thầu PM là điểm then chốt đảm bảo sự thành công của dự án. Tuy nhiên, công tác triển khai của nhà thầu này vẫn còn nhiều bất cập.
PM chưa kịp thời huy động nhân lực có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào dự án. Việc chia nhỏ các gói thầu cũng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý thiết kế, mua sắm và giao diện giữa các gói thầu, các nhà thầu liên quan. Và hiện nay tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi cấm vận của Chính phủ Mỹ nên rất khó khăn trong công tác triển khai dự án, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn cho chủ đầu tư trong việc hoàn thành dự án.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và đang được áp dụng cơ chế đặc thù, đồng thời cũng là dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ Liên bang Nga và Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do PVN làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ đầu năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy 2 vào năm 2015.
Trước đó, trong một báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã chỉ ra lệnh cấm vận này có 5 tác động đến việc thực hiện Hợp đồng EPC.
Theo đó, các nhà thầu Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm vận đã đơn phương thông báo dừng thực hiện hợp đồng, trong đó đặc biệt là nhà thầu phụ General Electric (Mỹ) cung cấp tua bin hơi và máy phát điện. Các nhà thầu còn lại bị ảnh hưởng gián tiếp do không thể giao dịch bằng tiền USD cũng như nhiều ngân hàng quốc tế từ chối giao dịch thanh toán với nhà thầu PM. Các nhà thầu đã và đang tìm giải pháp chuyển đổi đồng tiền để có thể thanh toán, tiếp tục triển khai thực hiện các hợp đồng đã ký.
Theo báo cáo của liên danh PM & PTSC, lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ đối với nhà thầu PM có ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến tất cả các công việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công xây dựng của dự án, tiếp tục gây chậm trễ tiến độ của dự án. Cùng với đó, do PM bị cấm vận nên các ngân hàng quốc tế thông báo không thể tiếp tục tài trợ vốn cho dự án theo các kết quả đàm phán đã được Tập đoàn Dầu khí và các ngân hàng thống nhất, với số tiền khoảng 780 triệu USD.