Từ “anh hùng” đến tội phạm
2019 là năm chứng kiến nhiều cuộc “vỡ mộng” của một bộ phận giới trẻ khi hàng loạt “người hùng mạng” sa vòng lao lý. Kể từ 2 năm trở lại đây, “giang hồ mạng” trở thành một hiện tượng rầm rộ. Nhiều tay chơi giang hồ bị thu hút bởi những lời tung hô trên mạng ảo, lập ra các kênh Facebook, Youtube riêng và lên mạng “thỏa chí anh hùng”.
Những tưởng như các kênh được lập trên mạng xã hội là “vương quốc” riêng của mình, họ tha hồ ngông cuồng với những phát ngôn bạt mạng, bất chấp. Rồi từ phát ngôn đi đến hành vi, họ thi nhau khoe khoang số má, tung hô lối sống giang hồ, thị tiền của, bất chấp pháp luật. Từ thách thức nhau trên mạng, quay lại clip đánh lộn, chém nhau, ăn chơi thác loạn, cho đến đốt tiền, đốt xe…
Những giang hồ mạng này thậm chí còn kiếm tiền được nhờ những clip “triệu view” của mình, để rồi từ đó ngày càng lộng hành, không coi ai ra gì hơn. Họ còn tổ chức họp fan, đi đến đâu tiền hô, hậu ủng đến đó… Và kết quả là, lần lượt các giang hồ mạng sa lưới pháp luật cho các hành vi buôn bán ma túy, gây rối trật tự công cộng, tổ chức đánh bài…
Khi Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phúc XO… lần lượt vào tù, cũng là lúc các giang hồ mạng bắt đầu biết được mình không phải là “bất bại”, để rồi các trang Facebook, kênh Youtube giang hồ từng rầm rộ bắt đầu ngưng hoạt động.
Điều đáng nói là trước đó, trong thời kì “hoàng kim” của mình trên mạng xã hội, các “giang hồ” này đã tạo ra một lượng fan hâm mộ khổng lồ, đều là những thanh, thiếu niên ở lứa tuổi tò mò, muốn chứng minh bản thân. Hành vi của những giang hồ mạng này đã làm lệch lạc nhận thức của không ít bạn trẻ, khiến họ không nhìn nhận được đâu là đúng, sai, hợp pháp và phạm pháp.
Đã có trường hợp, hai nhóm giang hồ “nhí”, mà thực chất là các em học sinh cấp 3 thách đấu, đánh nhau sứt đầu, mẻ trán vì hai bên là “fan” của hai giang hồ mạng đang đấu khẩu nhau trên mạng xã hội. Rồi khi các giang hồ này khoe tài, cũng không ít bạn trẻ học theo, bài bạc, hút sách, đốt tiền, đốt xe một cách hồn nhiên mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Sự ra tay kiên quyết của cơ quan chức năng dẫn đến suy tàn các trang giang hồ mạng là một động thái cực kì cần thiết để “giải độc” cho người trẻ.
Cổ súy cho điều sai trái
Hành vi của người trẻ bắt nguồn từ nhận thức. Mà một khi nhận thức đã lệch lạc thì ắt hẳn dẫn đến hành vi sai trái. Một ví dụ là chuyện hàng loạt bạn trẻ, tuổi thiếu niên và thanh niên manh nha con đường phạm tội vì bị ảnh hưởng, vì tung hô, thần tượng các giang hồ mạng đã nói ở trên.
Không còn như ngày xưa, giờ đây, khái niệm “thần tượng” đã trở nên quá dễ dãi. Thần tượng trước kia phải là những người nổi tiếng, thật sự nổi bật trong lĩnh vực của mình, có tài năng đi kèm với nhân cách, lối sống chuẩn mực. Thế mà giờ đây, nhiều người trẻ đi thần tượng những kẻ có hành vi sai quấy, lệch lạc, phạm pháp như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, như những “hot girl” chuyên dùng ảnh nóng “câu view”, các “hot boy bay lắc”…
Giới trẻ thường vô thức hoặc cố ý học hỏi, bắt chước những hành vi của thần tượng, thế nên một khi “thần tượng” có lối sống lệch chuẩn thì hậu quả là một bộ phận giới trẻ cũng buông mình học theo. Thật nguy hại khi những hành vi bay lắc được các “sao” trẻ tung lên mạng và coi đó là lối sống hiện đại.
Hay như trong vụ án từng làm chấn động dư luận Hàn Quốc thời gian qua: Một cựu thành viên của nhóm Big Bang bị tố cùng bạn bè của mình đã thực hiện hành vi phát tán clip nóng, tổ chức bán dâm và các hành vi cưỡng bức thiếu nữ… Sai phạm như thế nhưng không ít fan hâm mộ của những thanh niên đẹp trai và nổi tiếng này vẫn bênh chằm chặp, vẫn cho là thần tượng của mình “bị gài”, hoặc “con người ai cũng có lỗi lầm”, thậm chí “vì đẹp trai và tài năng nên tha thứ hết”.
Vì đẹp, vì tài, vì nổi tiếng, vì thành công nên sai cũng thành đúng, với tư duy đó, không biết bao nhiều người nổi tiếng đã “giẫm lên dư luận”, sống bất chấp. Từ cô ca sĩ chung sống với chồng người không đếm xỉa đến nỗi đau của người vợ, từ cô nữ diễn viên thoải mái lên truyền hình khoe mình là “vợ bé” một cách tự hào, nam ca sĩ đi nước ngoài bôi xấu phụ nữ Việt, hay nữ người mẫu nội y khoe thân phản cảm tại sự kiện văn hóa quốc tế… Họ chỉ gây nên chút ồn ào, rồi vẫn nổi tiếng, vẫn có danh vọng, vẫn được hâm mộ rộn ràng.
Để rồi, từ những mầm mống có vẻ “chuyện thường” như thế, đã nảy sinh ra những nhận thức lầm lạc, suy nghĩ độc hại, không phân biệt phải trái, đúng sai. Người trẻ bị xóa nhòa ranh giới đạo đức, đi vào con đường lầm lạc, vi phạm pháp luật, cũng một phần từ những điều lệch lạc như thế.
Cần chấn chỉnh về mặt nhận thức
Nhận thức lệch lạc dẫn đến hành vi lầm lỗi. Để rồi, từ lỗi nhỏ, lâu dần thành tội lớn, thành phạm pháp lúc nào không hay. Chính vì thế, để uốn nắn hành vi, cần bắt đầu từ gốc rễ, đó là nhận thức.
Như đã nói ở trên, chính động thái quyết liệt của cơ quan chức năng đã dẫn đến sự sụp đổ của trào lưu giang hồ mạng. Từ đó, những “vi rút” độc hại của các hành vi giang hồ, trái pháp luật ngưng phát tán rộng rãi, công khai. Việc bắt và xử nghiêm trước pháp luật hàng loạt giang hồ mạng cũng là sự răn đe trực quan đối với những người trẻ có manh nha đi theo con đường này, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để giới trẻ nhận ra đâu là đúng sai, thế nào là hành vi vi phạm pháp luật.
Tương tự, trong vụ “người bôi mặt đen cầm chân gà xin đểu” mới đây, kẻ chủ mưu nhanh chóng bị bắt, đồng thời những người “ăn theo”, giả dạng, phát tán tin đồn nhảm cũng nhanh chóng được mời đến cơ quan công an. Nhờ đó, trào lưu nguy hại này lập tức chìm xuống, biến mất.
Tiếc rằng, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể mạnh tay, quyết liệt như thế. Mạng xã hội ngày ngày vẫn chứng kiến đầy rẫy những hành vi phạm pháp hay mầm mống phạm pháp của những người trẻ. Từ thêu dệt, vu khống đến hạ bệ lẫn nhau, mượn danh để quảng cáo, lừa đảo bán hàng online đến vi phạm luật giao thông, bay lắc, coi ma túy là “chuyện nhỏ”…
Dễ dàng bắt gặp một thiếu niên khoe khoang mình chạy xe bằng hai chân, không đội mũ bảo hiểm, cũng không hiếm gặp những cô gái bán hàng online, bán những mặt hàng giả, kem trộn, hàng cấm. Hay thiếu nữ muốn nổi tiếng vừa livestream vừa… cởi tất tần tật.
Cũng không khó để thấy hình ảnh những thanh, thiếu niên ngồi quán bar, quán nhậu lề đường chuyền tay nhau những viên thuốc hồng hồng bé xíu, hay những quả bóng cười độc hại; thậm chí, bán bánh cần sa công khai trên trang thương mại điện tử, nhưng nửa năm mới bị phát hiện ra…
Mầm mống của sự phạm tội đã có mặt ở khắp nơi, dưới dạng tiềm ẩn hoặc đã phát lộ rõ ràng. Nếu không có sự quan tâm sâu sát của gia đình, sự trấn áp tội phạm một cách mạnh mẽ, nghiêm trị của cơ quan pháp luật thì những hành vi sai trái nhỏ vẫn được dung túng. Để rồi từ đó, lỗi nhỏ thành sai lớn, thành vi phạm pháp luật ở những cấp độ cao hơn, nghiêm trọng hơn…