Mặc dù là người Kinh, nhưng từ mấy chục năm nay, lão Vỵ được cả cộng đồng dân tộc dao thôn Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc thừa nhận như “con em nhà mình”.
Người Dao Lãng Công từ lâu cũng “quên” luôn sự khác biệt về dân tộc, để coi ông là pho sử sống về lịch sử, văn hóa, phong tục của mảnh đất này.
|
Ông Phùng Thế Vỵ. |
Rể người Kinh chép sử người Dao
Sinh năm 1948 ở Phú Thọ, nhưng từ nhỏ, ông Vỵ đã theo chân cha mẹ về lập nghiệp tại đất Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Bẵng đi cả một thời tuổi trẻ lăn lộn với chiến trường, năm 1976, anh bộ đội phục viên Phùng Thế Vỵ trở về làng.
Đến tận lúc này, chàng trai người Kinh “sống nhờ” ở Lãng Công vẫn chưa hề mảy may bén duyên với mảnh đất duy nhất mà cộng đồng người Dao Quần Chẹt quần tụ, sinh sống của toàn tỉnh Vĩnh Phúc.
“Nhưng riết rồi, đi nhiều, thấy nhiều, chứng kiến cảnh văn hóa dân tộc Dao cứ ngày một mai một đi, tôi không đành lòng”, chiêu một ngụm chè đặc sánh, ông Vỵ, giờ ở cái tuổi thất thập cổ lai hy khẽ nheo mày nhìn vào khoảng trống trước mắt.
Những câu hỏi về sự mất, còn của một loạt phong tục “máu thịt” của đất Lãng Công cứ trở đi trở lại trong đầu Vỵ. Đến một ngày, không nói với ai, ông bắt đầu âm thầm hành trình ghi lại lịch sử, văn hóa của cộng đồng người Dao nơi đây.
Giờ nhắc lại chuyện của mấy chục năm trước, ông Vỵ bảo: Ngày đầu bắt tay vào làm, ai cũng nghĩ ông bị điên. Vì người Dao còn khó chép lại sử của chính mình, thì một gã gốc Kinh ngụ cư làm sao kham nổi?
Nhưng bất chấp tất cả, “gã gàn” ấy vẫn cứ một mực lặn lội gõ cửa từng nhà, say mê nghe từng câu chuyện của các bậc già làng… về thế giới tinh thần phong phú của quần cư Dao Quần Chẹt.
Lật giở quyển sổ đã kín đặc chữ sau vài chục năm ghi chép, ông Vỵ hiền hậu kể: “Mọi thứ cũng có cơ duyên. Tôi may mắn được làm rể người Dao Lãng Công, được sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc nơi đây. Khi mình ở rể, mình đã là người của dân tộc rồi. Giờ không am tường thì rất khó sống”.
Hơn cả thế, ông tự nhận thấy tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao cũng là trách nhiệm của bản thân mình, vì thế “cuộc cách mạng lật lại lịch sử” của người Dao được ông thực hiện từ những năm 1978 - 1979.
Lẽ tự nhiên, không gian văn hóa người Dao cứ thế mà ngấm sâu vào máu thịt của ông Vỵ. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của “gã gàn” gốc Kinh ngày nào, giờ trả lại cho cộng đồng người Dao Vĩnh Phúc một kho tàng văn hóa đồ sộ, được hữu hình hóa qua cuốn sách về văn hóa, phong tục do chính ông chép lại.
Những ghi chép của ông về văn hóa dân tộc Dao không chỉ có giá trị văn hóa to lớn mà còn là nguồn tài liệu tham khảo quý hiếm trong nghiên cứu về các dân tộc Việt Nam.
Người Dao ở Lãng Công cũng từ lâu coi chàng rể người Kinh kia là đồng bào của mình. Họ tìm đến nhờ ông làm lễ lập tịch, cấp sắc, ma chay, cưới hỏi như một “thầy mo” uy tín.
Họ say sưa nghe “chàng rể” kể lại những tích lịch sử ngày lập đất, dựng nước. Thậm chí, cộng đồng người Dao còn đồng lòng bầu ông làm Phó bản, vị trí vốn xưa này không dành cho người ngoại tộc.
|
Ông Phùng Thế Vỵ mở tập tài liệu ghi chép đầy đủ về dòng tộc Dao ở Lãng Công. |
Độc đáo văn hóa Dao Lãng Công
Chính nhờ công sức sưu tầm, ghi chép và truyền bá không mệt mỏi của chàng rể người Kinh, từ nhiều năm nay, không gian văn hóa dân tộc Dao xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì với những nét riêng biệt.
Ông Vỵ say sưa kể cho chúng tôi những phong tục văn hóa của người Dao thôn Thành Công như lễ hội cưới hỏi, ma chay, lễ cấp sắc, Tết thanh minh,…
Đây là những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc Dao, được truyền từ đời này qua đời khác, có sự kế thừa và phát huy, phù hợp với thời đại văn minh.
Để cho chúng tôi hiểu rõ hơn, ông Vỵ kể về tục lệ cưới hỏi, một trong những phong tục độc đáo của người Dao ở Lãng Công. Ông cho biết: “Trước kia, cha mẹ đi tìm hiểu vợ và đặt vấn đề cho con cái.
Còn ngày nay, các đôi trai gái được tự do tìm hiểu”. Ngoài sính lễ cưới hỏi bằng hiện vật gồm thịt, gạo, hũ rượu, bạc trắng 40 đồng, chè, thuốc… giờ quy bằng tiền mặt, “riêng bạc trắng không còn sử dụng nữa”, ông Vỵ cho biết thêm.
Một trong những phong tục độc đáo nhất của người Dao ở Lãng Công là tục lệ cấp sắc. Lễ cấp sắc được tiến hành khi người con trai đã đến độ tuổi trưởng thành và đã kết hôn.
Các nghi thức cúng bái được tiến hành bởi 7 người thầy cúng, được coi là 7 ông bố đỡ đầu, đưa người được cấp sắc lên thiên đình làm lễ cấp sắc.
Ngoài ra, cần có 20 người phục vụ cúng trong 3 ngày 2 đêm. Lễ vật tối thiểu bao gồm: 4 con lợn và 10 con gà. Ngày nay, để phù hợp với nếp sống mới, lễ cấp sắc được rút ngắn thời gian, từ ba ngày hai đêm xuống còn hai ngày một đêm nhưng vẫn đầy đủ những nghi thức cúng bái.
Sau khi làm lễ, người được cấp sắc sẽ được ban một tên âm. Tên này được con cháu sử dụng để thờ cúng họ khi về già. Vào các dịp lễ quan trọng như 3/3, 8/4, 6/6 Âm lịch hàng năm, đồng bào người Dao Lãng Công vẫn giữ nếp cúng thần núi với xôi đen, xôi đỏ, xôi tím, bánh dùng…
Những nét phong tục này cũng trở thành một “đặc sản” riêng mà người Dao Lãng Công vẫn duy trì hàng ngày trong cuộc sống hiện đại. Bằng những câu chuyện mà ông Vỵ chia sẻ, chúng tôi cũng cảm thấy tự hào về vị Phó bản am tường và tận tâm với dòng tộc của mình đến thế.
Với những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ông Vỵ vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú tháng 12/2015 vừa qua.
Đang mặn chuyện, bỗng mắt già làng xã Lãng Công chợt nhìn ra xa xăm. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông khe xô lại theo cái nhíu mày.
Ông bảo: Văn hóa, lịch sử thì còn đấy, nhưng điều ông lo nhất là qua thời gian, nếu giới trẻ không cố công duy trì và “yêu” lấy, nguy cơ mai một sẽ một lần nữa hiển hiện.
Nhưng, với những gì đã chứng kiến và nghe kể về một đất Lãng Công rực rỡ sắc màu văn hóa dân tộc, chúng tôi tin: Nỗi lo của “gã rể gàn” nhưng có tâm kia sẽ có lời giải đáp có hậu.
Những gì ông đã làm, một cách tự nhiên nhất, hòa quyện vào hơi thở, nếp sống của Lãng Công, của cộng đồng người Dao duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc như một di sản không thể phai mờ.