Người không tố giác tội phạm có cơ hội được miễn truy cứu hình sự hay không, đang là câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm.
Bạn đọc Hoàng Thế Tuấn (An Giang) hỏi: Con trai tôi có đi xe ô tô chở tôi và va chạm khiến một người bị thương nặng.
Do quá hoảng sợ nên con trai tôi đã lái xe chở tôi bỏ chạy. Hiện cơ quan công an đang truy tìm người gây tai nạn để xử lý.
Vậy cho tôi hỏi, trường hợp này nếu cơ quan công an tìm ra người lái xe gây tai nạn bỏ chạy là con trai tôi thì tôi có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không?
|
Hình minh họa. |
Quy định pháp luật về không tố giác tội phạm
Không tố giác tội phạm, được hiểu là việc biết mà không báo; phát hiện hành vi phạm tội mà coi như không biết, im lặng; không trình báo cho cơ quan chức năng được biết để xử lý.
Việc phát hiện tội phạm có thể diễn ra khi người phạm tội đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội; hoặc trong khi hành vi phạm tội đang được thực hiện hoặc đã thực hiện xong.
Theo quy định tại điều 19 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 ( sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định:
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Người không tố giác tội phạm có được miễn truy cứu hình sự?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự thì người không tố giác là ông, bà, cha mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về khoản 1 của Điều 19 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên trừ các trường hợp những người này không tố giác tội phạm về các tội "Xâm phạm an ninh quốc gia", tội "Phản bội tổ quốc", tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", tội "Gián điệp"...
Người không tố giác tội phạm là người bào chữa cho người phạm tội cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp cụ thể, người có hành vi không tố giác tội phạm được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp khác nhau, nếu biết người thân của mình lên kế hoạch phạm tội hoặc chứng kiến hành vi phạm tội mà không ngăn cản khiến người phạm tội có thêm động lực, cơ hội để thực hiện hành vi phạm tội thì cũng sẽ bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp cụ thể nêu trên, nếu bạn biết việc con trai mình có thể sẽ gây tai nạn nhưng không ngăn cản việc lái xe, hoặc trường hợp bạn biết con trai mình không đủ điều kiện lái xe mà vẫn giao xe cho con trai bạn lái dẫn đến gây tai nạn cho người khác và bỏ chạy, thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định.