Bị coi là người ghi lô đề ăn “hoa hồng”, Bùi Thị Hoa đã bị VKSND quận Nam Từ Liêm truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên (KSV) VKSND quận Nam Từ Liêm khẳng định các bị cáo đã tổ chức đánh bạc với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, chính KSV lại thừa nhận, số tiền trên là do các bị cáo “tự tính” chứ bản thân không biết tính tiền lô đề như thế nào. Trong khi đó thì các bị cáo khai, số tiền thắng thua là do điều tra viên tính toán và cho xem các bảng lô đề để bị cáo chép lại trong bản tự khai.
|
Số tiền ghi lô đề hơn 4 tỷ nhưng không rõ ai là người đánh. (Ảnh minh họa) |
Bị cáo không biết ai đánh bạc với ai
Bị coi là người ghi lô đề ăn “hoa hồng”, Bùi Thị Hoa (SN 1970, trú tại phường Mỹ Đình 1) đã bị VKSND quận Nam Từ Liêm truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc” (với số tiền 4,1 tỷ đồng trong 20 ngày).
Trả lời câu hỏi của luật sư (LS) tại phiên tòa sơ thẩm sáng 23/3, Hoa cho biết, bị cáo không rõ đã tổ chức đánh bạc cho những người nào, không biết ai đánh bạc với ai cả”.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Hương Trung (SN 1978, trú tại phường Mỹ Đình 1) bị truy tố về tội “Đánh bạc” do đã có 7 lần ghi lô đề với Hoa (tổng số hơn 19 triệu). Tại Tòa, Trung khai, bị cáo chỉ biết nhắn tin cho chị Hoa để đánh lô đề, còn không rõ ai là người đánh bạc với bị cáo.
Từ những lời khai trên, LS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, phải có người đánh bạc thì mới có việc tổ chức đánh bạc.
Trong vụ án này chưa rõ ai là người đánh bạc thì không thể quy kết bị cáo có hành vi tổ chức đánh bạc. Càng không thể quy kết bị cáo Hoa và Nguyễn Văn Tiện (SN 1962, trú tại phường Mỹ Đình 1) đã đồng phạm về tội “Tổ chức đánh bạc” vì không có chứng cứ Hoa chuyển bảng lô đề cho bị cáo Tiện.
LS Tuấn cho biết, trong số 19 tờ bảng lô đề mà CQĐT đã thu giữ tại nhà Hoa thì chữ viết tại 18 tờ không phải là của bị cáo Tiện. Tuy 1 tờ giấy (bảng đề ngày 26/11/2015) có chữ viết của Tiện (có nội dung tính toán tiền lô đề bằng mực đỏ) thì chính bị cáo này khai rõ là đã bị điều tra viên (ĐTV) bảo viết thêm vào trong quá trình lấy lời khai.
Lời khai này là có cơ sở bởi bảng đề trên không phải bảng đề duy nhất mà Tiện được ĐTV yêu cầu viết thêm vào (Tiện và Hoa đã từng bị ĐTV yêu cầu ký vào các bảng lô đề). Mặt khác, phần chữ của Tiện không thống nhất với số tiền đánh lô đề ngày 26/11/2015 như nêu trong cáo trạng. Hơn nữa, khi thu giữ vật chứng là các bảng lô đề thì cán bộ điều tra đã không mô tả vật chứng này có hai màu mực (đen và đỏ) và không tiến hành niêm phong theo quy định…
Tiền dùng đánh bạc là tiền “ảo”
Tranh luận với các LS, KSV thừa nhận việc chưa thể làm rõ được những người đánh bạc trong vụ án này và cho rằng, việc truy tố Tiện và Hoa về tội tổ chức đánh bạc là do “tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20 triệu đồng”.
Phản bác lại nội dung này, LS Nguyễn Trung Thành nêu rõ, theo hướng dẫn của TANDTC thì tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: “tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc” hoặc “tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” hoặc “tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.
Nhưng trong vụ án này, CQĐT chỉ bắt quả tang Hoa ghi lô đề cho 3 người với tổng số tiền 1.540.000 đồng và thu giữ tại chỗ được 14 triệu đồng vào ngày 11/12/2015.
Như vậy thì 14 triệu đồng này cũng không phải là tiền dùng đánh bạc bởi CQĐT không chứng minh được những ai đã đánh 14 triệu đồng tiền lô đề này.
CQĐT càng không thể coi Hoa đã ghi đề trong ngày hôm đó đã được 94 triệu (Hoa cho khách “nợ” hơn 80 triệu) bởi đây là tiền “trên giấy” (không phải tiền vật chất) và nếu là tiền nợ thì cũng phải làm rõ từng người đánh lô đề để hình thành lên 94 triệu đồng.
Đáng chú ý là tại tòa, Hoa đã khai rõ, 14 triệu này được bị cáo để riêng ở một bên túi để mua xương, mua thịt… bán phở buổi sáng. Còn tiền do khách đánh lô đề thì bị cáo để ở một túi riêng.
Theo LS Thành thì nếu coi 14 triệu thu được tại nhà Hoa là tiền ghi đề thì cũng không thể cho rằng đó là tiền Hoa tổ chức đánh bạc cùng với Tiện.
Lý do bởi không hề có chứng cứ về việc Hoa chuyển lô đề cho Tiện vào ngày 11/12/2016 (không có bảng đề bằng giấy, nội dung ghi âm trong điện thoại không thể hiện việc chuyển bảng lô đề và cũng không có con số lô, đề nào khớp số tiền 14 triệu… ngày 11/12/2016).
Có dấu hiệu mới cung để “khớp” lời khai
Không rõ danh tính người đánh bạc trong vụ án này nhưng KSV vẫn cho rằng Hoa và Tiện tổ chức đánh bạc trong 20 ngày với số tiền các con bạc đánh là hơn 4 tỷ đồng, trong đó Hoa và Tiện đã “thu lợi bất chính lớn”. Theo đó, KSV đề nghị HĐXX xử phạt Tiện 7 - 8 năm tù, Hoa từ 4 - 4 năm 6 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc; Trung 9 đến 12 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Đánh bạc”.
Tranh luận với các LS về số tiền hơn 4 tỷ trên, KSV thừa nhận, đây là số tiền do các bị cáo tự tính toán sau khi đối chiếu bảng lô đề, còn KSV cũng không biết tính như thế nào.
LS Thành cho rằng, không thể dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Vậy thì tại sao KSV lại tin vào sự tính toán của bị cáo để ra con số đánh bạc là hơn 4 tỷ đồng?
Đáng nói hơn là tại phiên tòa, bản thân bị cáo Hoa khai rõ, bị cáo không biết tính toán thắng, thua lô đề như thế nào. Bị cáo học ít, trí nhớ kém nên cũng không thể nhớ hết các con số mà khách đã đánh từ những ngày trước.
Vì vậy, việc Hoa khai ra các con số mà khách đánh là do được ĐTV đưa cho 19 bảng lô đề để Hoa chép lại vào bản cung. “Việc tính lỗ, lãi là do CQĐT tính toán để tôi khai. Khi đọc bản cáo trạng, tôi thấy nhiều chỗ số tiền lớn thì họ bảo sẽ chỉnh sửa sau nhưng cũng không thấy chỉnh sửa gì”- Hoa khai.
Còn Tiện cũng khai về việc mình được ĐTV cho chép lại những số lô đề theo bản khai của Hoa cho khớp con số.
Trích dẫn một số chứng cứ là bản cung của Tiện thể hiện ĐTV đã cho Tiện xem và đối chiếu với các bảng lô đề thu được tại nhà Hoa…”, cùng với các lời khai trên, LS Hoàng Mạnh Trường cho rằng, các bị cáo đã bị ĐTV “mớm cung” để khai cho khớp với các bảng lô đề đã thu giữ. Như vậy thì lời khai nhận về việc ghi lô đề trong 20 ngày này của các bị cáo là sai tố tụng và không có giá trị chứng minh tội phạm.
Liên quan đến chứng cứ này, LS Thành cho rằng, cần xác định xem 19 bảng lô đề trên có đúng là được thu giữ tại nhà Hoa hay không bởi “biên bản tạm giữ đồ vật” có trước “biên bản khám xét”.
Tại tòa, Hoa khai công an thu giữ vật chứng khi khám nhà vào lúc 18 giờ, sau đó thì bị đưa lên cơ quan công an luôn. Tuy nhiên, biên bản khám xét lại đề lúc 20 giờ 10 phút. Biên bản thu giữ tài liệu một bản thì 19giờ 15phút , một bản 19 giờ 20 phút. Không hiểu sao các biên bản này lại đều có chữ ký của Hoa khi lúc này Hoa đã bị đưa đến cơ quan công an?
Dự kiến chiều nay (27/3), TAND quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục làm việc.