Đứa trẻ luôn là người thiệt thòi sau câu chuyện ly tán của bố mẹ. Rồi đây, ai sẽ là người nuôi nấng bé nên người khi thiếu cha, thiếu mẹ.
Ngày 24/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Hôn nhân và gia đình về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nguyên đơn trong vụ án là chị Vũ Thị Minh Tr. (sinh năm 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), bị đơn là anh Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1975 trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).
Anh chị gặp nhau tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay để giải quyết quyền nuôi con sau ly hôn theo yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn là anh T. về toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Đống Đa ngày 10/7/2015. Theo đó, chị Tr. là người có quyền được nuôi con còn anh T. vẫn có quyền thăm nom, giáo dục và chăm sóc con theo quy định của pháp luật.
Mâu thuẫn lên đỉnh điểm từ việc "thăm con"
Thời còn trẻ, anh chị đã từng là một đôi trai tài gái sắc được nhiều người ngưỡng mộ, đều sinh ra trong những gia đình có truyền thống nề nếp gia phong ở ngay giữa Hà Nội.
Cách đây 10 năm, hai người đã xây dựng gia đình và có với nhau một con chung là bé trai tên Hoàng Nhật M., chẳng ai có thể ngờ rằng một gia đình viên mãn, đầy đủ tất cả mọi thứ về vật chất lẫn tinh thần như vậy lại phải trải qua những giây phút đau lòng khi mà suốt quãng thời gian gần 10 năm đó, anh chị đã có trên dưới 10 lần dẫn nhau ra tòa chỉ đề giải quyết vấn đề ly hôn và "hậu ly hôn".
|
Anh và chị trong phiên tòa giải quyết quyền nuôi con sau ly hôn |
Câu chuyện tranh chấp về việc "thăm con" diễn ra từ ngày 22/6/2012, thời điểm mà Tòa án quận Đống Đa đã giải quyết cho anh chị được ly hôn và giao quyền nuôi con cho anh T. Cho rằng anh T. cùng gia đình bên nhà chồng cũ đã ngăn cản quyền thăm con của mình nên chị Tr. đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện đến cơ quan chức năng để cầu cứu, mong giải quyết.
Dòng dã từng đó năm trời, câu chuyện hòa giải và giải quyết quyền nuôi con sau ly hôn của anh chị chưa một ngày được ngừng nghỉ. Chị Tr. hết kêu gọi sự can thiệp của công an phường, công an quận đến Chi hội phụ nữ, Tòa án rồi lại phiền đến cả trường học mà bé Nhật M. đang theo học... Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã rất đau đầu với nhiều lần khởi kiện, nhiều lần kháng cáo của anh chị khi mà những lần đó chỉ xoay quanh việc chị bị anh cùng gia đình anh cấm đoán việc chăm nom, giáo dục cháu Nhật M.
Bố chồng: "Tôi ghê tởm cô!"
Ông Hoàng Anh Tứ - Bố chồng của chị Tr. cũng có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là người bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của anh Hoàng Anh T., con trai ông.
Dường như cũng chung nỗi uất ức của bị đơn là con trai mình, ông Tứ đứng phắt dậy khi tòa vừa cho phép nói: "Người ta nói cá chuối đắm đuối vì con, vậy mà khi cháu tôi mới 2 tuổi chị đã bỏ nó mà đi, anh đã gà trống nuôi con 8 năm, có vợ mới cũng là phải thôi. Dàn dựng, lén lút lập bằng chứng giả bảo chúng tôi không cho chị gặp con chưa đủ, chị lại còn bảo tôi sàm sỡ chị, sao tôi phải làm cái việc bỉ ổi đó?"
Rồi ông phân trần rằng, nhà ông không thiếu tiền, lúc làm dâu con trong nhà ông, chị không thiếu bất cứ một thứ gì. Khi chị sinh bé Nhật M., mẹ chồng chị là vợ ông đã rất mực yêu thương và chăm sóc chị, trong nhà lúc nào cũng có trên 3 người giúp việc, chị tha hồ mà "chỉ tay 5 ngón". "Vậy mà chị còn không biết điều, dám đặt điều vu khống cho gia đình tôi?".
Anh chị đừng làm khổ cháu nữa
Tại phần hòa giải của phiên tòa phúc thẩm sáng nay 24/11, vị chủ tọa hết lời khuyên nhủ nhưng vẫn không thể đưa ra một phương án tốt nhất để cải thiện mối quan hệ của anh chị. Nhiều người có mặt tại phiên tòa đã không khỏi buồn lòng khi nghĩ đến chuyện một đứa trẻ phải sống thiếu mẹ khi mới 2 tuổi đầu, nhưng đau lòng hơn nữa là đứa trẻ ấy phải tiếp tục chịu dằn vặt từ chính bố mẹ mình suốt cả tuổi thơ chỉ vì sự ích kỷ không đáng có...
Lẽ ra anh chị không còn yêu nhau nữa thì nên dồn hết tình yêu thương vào đứa trẻ nhưng đổi lại, vì một lý do nào đó mà hai người đã làm nên chuyện "Kinh thiên động địa". Tòa án chưa đủ, họ còn kéo công an, tổ dân phố, chi hội phụ nữ phường và cả trường học của bé Nhật M. vào cuộc chỉ để "phân bua" cái quyền mà họ cho rằng chỉ có nó mới là chính đáng hơn cả - quyền thăm nuôi con.
Dường như quá phẫn nộ và bức xúc trước thái độ của cả anh chị trước tòa, vị chủ tọa phiên tòa phải thốt lên rằng "từ ngày vào nghề đến nay, tôi chưa bao giờ phải 5 lần 7 lượt lên ngồi ghế quan tòa chỉ để giải quyết một việc hết sức cỏn con là "thăm con" như thế này".
Trả lời nhận định ấy của vị chủ tọa, chị Tr. cho rằng mình là giảng viên trường đại học danh tiếng, chị cũng không muốn suốt ngày đi kêu cứu về việc "đáng xấu hổ này". "Nhưng cha sinh không bằng mẹ dưỡng", chị tiếp tục khẳng định rằng đến thời điểm hiện tại, mình đã có đủ trình độ, kinh tế cũng như thời gian để có thể cho con mình cuộc sống tốt nhất.
Anh nói có, chị bảo không, tôi biết tin ai?
Rồi trong hai hàng nước mắt của sự uất ức tuôn trào, chị kể, sau khi Tòa án quận Đống Đa giải quyết quyền nuôi con thuộc về anh T., mặc dù đã cam kết sẽ cho chị quyền được thăm nom, chăm sóc con nhưng khi chị đến trường đón cháu vào chiều thứ 6 thì cô giáo của cháu đã không cho đón vì trước đó bố và ông nội đã dặn dò cô là không được cho mẹ đón. Không những thế, chị còn kể lể về việc anh nhắn tin cho chị và tuyên bố rằng từ lúc nhận được tin nhắn cũng là lúc chị không được đụng chạm vào cháu Nhật M. dù chỉ là một chút...
Tuy nhiên, ngay sau khi chị chưa dứt lời, anh đã buông một câu khẳng định "đanh thép" rằng tất cả mọi thứ mà HĐXX đang nghe đều nằm trong "kế hoạch đáng sợ" của chị, còn anh vẫn cho chị thăm con thường xuyên theo quy định của pháp luật!
Phiên tòa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi mà tiếng quát im lặng của vị thẩm phán không còn đọ lại nổi với những lời tranh cãi từ phía nguyên đơn và bị đơn. Lúc này, vị chủ tọa lại phải dịu giọng đề nghị anh chị cho chen ngang rồi ôn tồn kể cho cả HĐXX nghe về câu chuyện đầy tính giáo dục ở Mỹ. Chuyện kể về một gia đình gồm bố mẹ và 3 con sống rất hạnh phúc nhưng chỉ vì điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái tử tế nên đành phải nhốt 3 con trong một chiếc lồng. Vậy là một ngày nọ, chẳng may một trong ba người con trốn bỏ ra ngoài nghịch ngợm, cảnh sát Mỹ đã cho rằng đó là trẻ cơ nhỡ và bắt vào trại mồ côi nuôi dưỡng, cũng chính vì vậy mà họ đã vĩnh viễn không có cách nào gặp lại đứa con mà mình rất mực yêu thương...
Cả phiên tòa phúc thẩm lúc này chìm trong im lặng giữa cái thở dài thườn thượt của người bố và lạnh lẽo bởi những giọt nước mắt của người mẹ. Trong những nghẹn ngào, ấm ức của người đàn bà có gương mặt đầy bất hạnh, chị khó khăn lắm mới nói nên nổi những lời cay đắng: "Giờ anh T. đã có vợ mới và có con riêng, gia đình lại rất hạnh phúc vui vầy. Còn tôi vẫn giường đơn gối chiếc, nhiều khi cảm thấy rất cô đơn, mong tòa chấp nhận cho tôi được nuôi con để lòng đỡ hiu quạnh...".
Phiên tòa đến đây lại chìm xuống trong cái im lặng đến đau lòng. Dẫu rằng hợp tan là chuyện thường tình của cuộc đời, nhất là trong thời đại này, chuyện ly hôn lại càng là vấn đề dễ thông cảm hơn bất cứ điều gì khác, nhưng chẳng hiểu tại sao giữa anh và chị nó lại khó lý giải đến vậy.
Không biết rồi với những mâu thuẫn chẳng thể nào giải quyết nổi giữa anh chị sẽ khiến cho những phiên tòa tranh cãi đầy nước mắt như vậy kéo dài đến bao giờ nhưng trong câu chuyện này, có lẽ bé Nhật M. mới chính là người thiệt thòi hơn cả.
Một đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi đầu nhưng bố mẹ đã vì một mâu thuẫn ích kỷ nào đó mà giằng xé, nhồi nhét vào tâm can bé những điều không nên có. Sợ rằng những ký ức không hay này sẽ hằn vào trí nhớ của trẻ thơ để rồi sau này khi lớn lên và ý thức được mọi chuyện, bé sẽ biến sự sợ hãi thuở nào thành những hận thù xé nát tâm can?!