TS Nguyễn Viết Hương (SN 1990, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện là Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, trường Đại học Phenikaa (Hà Nội). Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, TS Hương vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ - Quả Cầu Vàng năm 2024.
Vừa mừng, vừa lo khi lọt top 10 giải thưởng này, TS Nguyễn Viết Hương cho biết, mừng vì các kết quả khoa học, công nghệ của cả nhóm nghiên cứu – mà TS Hương là đại diện, lại nhận được ghi nhận rất lớn từ một giải thưởng uy tín. Tuy nhiên, TS Hương lo lắng hơn vì phải làm thế nào để tiếp tục duy trì và phát huy được thành công ban đầu, tiếp nối truyền thống của giải thưởng.
Nam giảng viên cho rằng, bản thân cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc lan tỏa tinh thần dấn thân cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ tới các bạn trẻ, các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của mình.
“Duyên” với khoa học công nghệ
Cách đây 20 năm, bước ngoặt đầu tiên trên con đường học tập của TS Nguyễn Viết Hương là thi đậu vào lớp chuyên Toán A1 là khối THPT Chuyên, trường Đại học Vinh. Kết thúc hành trình cấp 3 bằng việc đỗ thủ khoa (29 điểm) vào khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Viết Hương may mắn khi nhận được học bổng Đề án 322 cử sinh viên đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.
TS Nguyễn Viết Hương. |
Khi bắt đầu hành trình du học của mình, Hương chọn INSA de Lyon (Institut National des Sciences Appliquées de Lyon – Viện Khoa học ứng dụng Quốc gia Lyon) - một trường kỹ sư hàng đầu ở Pháp để tiếp tục theo đuổi ngành Khoa học vật liệu & Công nghệ nano. “Việc chọn ngành học này có ảnh hưởng rất lớn từ Cha tôi - một cựu chiến binh tình báo kỹ thuật hải quân. Từ hồi chiến tranh, Cha thường xuyên nghe radio như một thói quen và thông qua các kênh tin tức cập nhật đã nắm bắt và khuyên tôi rằng, xu thế phát triển của thế giới sẽ phải qua những tiến bộ của công nghệ nano.” – chàng trai Hà Tĩnh bộc bạch.
Những ngày đầu du học ở Lyon, Hương gặp rất nhiều khó khăn. Viết Hương kể: “Sau một vài ‘tuần trăng mật’ ban đầu, tôi bị sốc vì chương trình kỹ sư phần đại cương học rất nặng, khi trình độ tiếng Pháp của tôi lúc đó mới chỉ hiểu được 30% những gì thầy cô giáo giảng trên lớp, về nhà phải tự đọc và tìm hiểu rất nhiều. Các môn như Toán, Lý chiếm tỉ trọng rất lớn và đều được các Giáo sư hàng đầu trực tiếp giảng dạy nên tôi có tiếp thu được và thường trong top 1-3 người học tốt nhất lớp. Tiếng Pháp dần tốt lên, tôi có thêm những người bạn quốc tế, học hỏi thêm được văn hóa và hơn hết, có cơ hội nuôi dưỡng tình cảm với hai chữ Việt Nam nhiều hơn khi ở nước ngoài”.
Những năm tháng vất vả, nhưng vẻ vang thời tuổi đôi mươi đã giúp Nguyễn Viết Hương vượt qua 81 bạn trong lớp, trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của khoa Khoa học Vật Liệu – INSA de Lyon.
Kể về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, bằng việc bước chân ra khỏi vùng an toàn của bản thân đến một nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, kết thúc chương trình kỹ sư, chàng trai 9X loay hoay tìm kiếm thực tập nghiên cứu 6 tháng ở các phòng thí nghiệm bên ngoài nước Pháp với mong muốn trau dồi thêm tiếng Anh.
Nam giảng viên trẻ này đã có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. |
Thời gian sau đó, Hương được một Giáo sư ở INSA de gửi sang IMEC, Leuven, Bỉ - một trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano vào loại lớn nhất châu Âu. Chàng trai nhận định, ở đó, bản thân được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu quốc tế đỉnh cao, nơi có những công cụ máy móc hiện đại nhất, những con người sáng tạo, chăm chỉ và chuyên nghiệp nhất.
Sau thời gian ở Bỉ, tháng 10/2015, Hương trở lại Pháp và bắt đầu làm nghiên cứu sinh trong nhóm Nghiên cứu của TS David Munoz-Rojas, với đề tài “Phát triển điện cực trong suốt ứng dụng trong pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao”, hợp tác với Viện năng lượng nguyên tử và năng lượng tái tạo (CEA – Pháp).
Xây dựng thành công hệ SALD đầu tiên ở Việt Nam
Những ngày đầu làm nghiên cứu sinh, TS Nguyễn Viết Hương với vai trò hỗ trợ đã bắt đầu học hỏi từ những việc nhỏ nhất. Đó là nền tảng để anh xây dựng thành công hệ SALD (hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển) đầu tiên ở Việt Nam sau này.
Theo nhà khoa học trẻ này, việc triển khai nghiên cứu khoa học thực nghiệm rất cần việc tự nghiên cứu chế tạo ra được công cụ nghiên cứu, quá trình đó phải hội tụ đủ kỹ năng, kiến thức kỹ thuật sâu rộng, liên ngành để có thể tự xây dựng, cải tiến, và thậm chí là sửa chữa các hệ thiết bị thí nghiệm, có như vậy việc nghiên cứu mới không bị gián đoạn.
Và niềm vui như được nhân đôi khi luận án Tiến sĩ của Nguyễn Viết Hương nhận được giải Luận án Tiến sĩ xuất sắc của Hội Hóa học Pháp (lĩnh vực Hóa học chất rắn), một ghi nhận cho những đóng góp của anh trong việc làm sáng tỏ cơ chế truyền dẫn hạt tải trong các chất bán dẫn đa tinh thể, pha tạp mạnh. Năm 2018, Hương nhận bằng Tiến sĩ và tiếp tục ở lại làm nghiên cứu viên sau Tiến sĩ cho đến tháng 6/2019.
TS Nguyễn Viết Hương (phải) xây dựng thành công hệ SALD (hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển) đầu tiên ở Việt Nam. |
Sau 9 năm sống, học tập và nghiên cứu ở Pháp, Hương cũng được một số cơ sở nghiên cứu đề xuất vị trí làm việc lâu dài nhưng mơ ước đóng góp cho quê hương đã thôi thúc chàng trai Hà Tĩnh trở về Việt Nam để làm việc. Từ tháng 8/2019, vị Tiến sĩ trẻ này chính thức bắt đầu làm việc tại trường Đại học Phenikaa, Hà Nội.
Như một cơ duyên, TS Viết Hương học được công nghệ SALD từ những bước đầu tiên khi xây dựng hệ thiết bị, đến khi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ và nghiên cứu viên sau Tiến sĩ. Là người trực tiếp vận hành và hiểu rõ, làm thế nào để tối ưu hóa và cải tiến hệ thống cho phù hợp, thế là Hương nảy sinh ý nghĩ, phải đưa công nghệ SALD về Việt Nam triển khai.
Đến tháng 2/2022, dưới sự hỗ trợ của trường Đại học Phenikaa, Tập đoàn Phenikaa, Viết Hương cùng nhóm nghiên cứu ở đây đã xây dựng thành công hệ SALD đầu tiên ở Việt Nam, cho phép chế tạo các màng mỏng nano ô xít kim loại bán dẫn với mức độ điều khiển bề dày tới từng đơn lớp nguyên tử, trong điều kiện nhiệt độ thấp và ở áp suất khí quyển. Hệ thiết bị tự xây dựng có giá thành thấp hơn nhiều lần so với giá mua thương mại. Đặc biệt, các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh Tiến sĩ có thể tự vận hành và nhóm nghiên cứu có thể tự bảo dưỡng nếu bị hỏng hóc.
Với tư cách là một nhà khoa học, nhà giáo, mục tiêu sau cùng của nam giảng viên trẻ này là để lại những công trình khoa học có giá trị, góp phần xây dựng Tổ quốc. Ngoài ra, TS Hương cũng mong muốn đào tạo ra được những thế hệ học trò có trình độ, năng lực tốt, và khát vọng vươn lên để tiếp nối con đường lớn đó.
TS Nguyễn Viết Hương có 1 bằng sáng chế quốc tế, 39 bài báo quốc tế, 31 bài báo ISI Q1. Hương là tác giả chính, đồng thời là tác giả liên hệ của nhiều bài báo có chỉ số ảnh hưởng cao (IF>10) liên quan đến phát triển công nghệ lắng đọng lớp nguyên tử SALD và vật liệu nano chế tạo bằng công nghệ SALD. |