Có vô vàn những khó khăn, thách thức mà những “chiến sĩ” trên mặt trận xóa “mù” pháp luật vùng sâu xa đã phải trải qua trên suốt hành trình của mình...
Có những ngày mưa rét căm căm, đường trơn trượt xe máy không vào được bản, những cán bộ của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) huyện Vân Hồ phải xắn quần trèo đèo, lội suối để đến với từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay cả bộ quần áo mưa duy nhất mang theo cũng được dùng để che chắn cho những tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, mặc cho cả người đã ngấm mưa lạnh từ lâu.
Đó chỉ là một trong số vô vàn những khó khăn mà những “chiến sĩ” trên mặt trận xóa “mù” pháp luật đã trải qua trên chặng đường tác nghiệp.
|
Cấp ủy, chính quyền bản Nà Kiến tuyên truyền với người dân không sử dụng, tàng trữ mua bán chất ma túy. |
Nhọc nhằn “cõng” luật đến vùng cao
16 tuổi nhưng em Vàng Thị Say, bản Pa Chè 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã lập gia đình từ hai năm nay. Chồng em là Mùa A Đức cũng chỉ mới 19 tuổi. Say cho biết, vì lấy chồng nên em đã bỏ học từ mấy năm nay. Hiện cuộc sống của cặp vợ chồng “trẻ con” này gặp nhiều khó khăn do các em đều chưa trưởng thành về cả thể chất và nhận thức.
Chứng kiến cảnh các em còn ít tuổi mà đã nặng gánh gia đình, ngày ngày loay hoay với ngô, lúa, lợn và con cái khiến những cán bộ của Hội đồng phối hợp PBGDPL không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, họ đều hiểu công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết nói riêng ở nơi hủ tục đã ăn sâu vào đời sống của người dân là điều không dễ dàng thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Từ năm 2013, tại nhiều xã vùng cao của Vân Hồ đã hình thành các mô hình “Ngày pháp luật”, các buổi trợ giúp pháp lý,... Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, những buổi ngoại khóa của học sinh, các cuộc thi tuyên truyền viên phụ nữ - nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt là phiên tòa xét xử lưu động, nhiều làng bản đã không còn tình trạng khiếu kiện vượt cấp, vi phạm pháp luật và tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Quả ngọt là ấm no, bình yên của mỗi bản làng
Đến tận bây giờ, ông.... vẫn nhớ mãi những ngày đi PBGDPL tại các bản khó khăn nhất của huyện Vân Hồ. Ít ai biết, đằng sau mỗi con số thống kê dưới đây lại là cả một chặng đường dài gian truân khó nhọc đến dường nào.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cho hơn 700 lượt người tại các xã đặc biệt khó khăn là Mường Men, Chiềng Khoa, Song Khủa, Suối Bàng; phát đi 53 tin, bài tuyên truyền gắn với mục hỏi, đáp về pháp luật trên hệ thống truyền thanh, truyền hình; thành lập 145 câu câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với đội ngũ báo cáo viên, đội tuyên truyền viên ở tất cả các xã và 145 tổ hòa giải ở tất cả các bản, mỗi tổ 5-7 thành viên hoạt động theo Luật hòa giải ở cơ sở, trực tiếp giải đáp những vướng mắc về mặt pháp lý của người dân, góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, củng cố tình làng, nghĩa xóm và làm giảm tình trạng khiếu kiện ở cơ sở, khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Nhiều tủ sách pháp luật cũng được xây dựng ở tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học, trụ sở các xã với đầu sách cập nhật thường xuyên, thu hút hàng nghìn lượt người đọc mỗi năm đến tìm hiểu, tra cứu và vận dụng các quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Để có được những thành quả đó, các cán bộ của Hội đồng phối hợp PBGDPL đã phải trở đi, trở lại địa bàn rất nhiều lần, tiếp cận từng hộ dân bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”.
Ông... nhớ lại: “Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, mùa đông lạnh buốt mưa phùn, mùa hè nắng nóng mưa dầm. Có khi chúng tôi phải đi bộ, leo dốc vài cây số mới vào tới bản. Làm việc xong, nhìn quãng đường xa xôi, trơn trượt phải cuốc bộ trở về, nhiều khi muốn khóc.
Lên dốc đã khó, xuống dốc còn khó hơn, có lúc mưa xối trôi hết đường mòn, khó đi đến mức chúng tôi phải bò bằng tay. Nhưng chuyến sau ai nấy vẫn rất hăng hái nhiệt tình.
Bởi những ai đã từng đến đó, chứng kiến cuộc sống của bà con dần đổi thay sau khi nhận thức được những điều mà pháp luật đem đến giúp đẩy lùi hủ tục, mới thấy càng cần phải đi nhiều, làm nhiều hơn nữa”.
Hiện nay, UBND huyện Vân Hồ đang xây dựng triển khai Kế hoạch về thực hiện Đề án “Tuyên truyền PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2013-2016; triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”; kế hoạch về thực hiện Đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016. Công tác phối hợp liên ngành giữa Phòng Tư pháp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Phòng Dân tộc, Hội Nông dân huyện, Hạt Kiểm lâm huyện trong công tác tuyên truyền pháp luật cho hội viên các tổ chức đoàn thể tại các bản, tiểu khu đang chứng tỏ hiệu quả tốt. |