90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh sởi
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Một số bệnh có vắc-xin phòng bệnh từ lâu (như sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, với 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi.
Trung bình, một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác.
Chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Năm 2024, WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn thế giới, với 184 quốc gia ghi nhận ca mắc.
Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát tại 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp (dưới 80%).
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Bộ trưởng, ngày 13/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã tiếp Trưởng Đại diện WHO và Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam để trao đổi về hợp tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Đại diện hai tổ chức quốc tế nhận định, dù dịch sởi có xu hướng giảm, nhưng vẫn chưa dừng lại, cần tiếp tục cảnh giác.
Đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, tại Việt Nam, biến đổi khí hậu và giao mùa khiến dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước khi triển khai tiêm một liều vắc-xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt tại miền Bắc với tỷ lệ mắc lên tới 137,7/100.000 dân vào năm 1979 và 125,7/100.000 dân vào năm 1983.
Việc tiêm vắc-xin sởi được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ tháng 10/1985.
Sau 40 năm tổ chức tiêm chủng, tỷ lệ mắc sởi đã giảm đáng kể, từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010.
Sau chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 1-5 tuổi vào cuối năm 2010, tỷ lệ mắc tiếp tục giảm trong các năm 2010-2012.
Tuy nhiên, dịch sởi vẫn bùng phát theo chu kỳ khoảng 5 năm, điển hình vào các giai đoạn 2014-2015, 2019-2020 và hiện nay là 2024-2025.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, TP ưu tiên bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi.
Đặc biệt, đối với trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin, cần hoàn thành tiêm chủng trong tháng 3/2025.
“Các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ và chủ động phòng ngừa bệnh sởi.
Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, TP rà soát các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp để tổ chức tiêm bù, tiêm vét, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan rộng”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
![]() |
Hình ảnh trực tuyến tại các điểm cầu. |
Bộ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh sởi, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp, để triển khai chiến dịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới.
Tăng cường trách nhiệm và phối hợp liên ngành. Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở cần phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế trong việc rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng, bảo đảm không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng lưu ý, tất cả trẻ mắc sởi hoặc nghi mắc sởi không chỉ cần được chăm sóc y tế kịp thời mà còn phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng do thiếu chăm sóc y tế hoặc không đủ dưỡng chất.
Sở Y tế các tỉnh, TP cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ tại các huyện có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi.
“Tùy vào nguồn lực và tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, có thể áp dụng các hình thức triển khai tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà nhằm nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận quan trọng như: Tình hình bệnh sởi và kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh sởi; Các biện pháp phòng, chống dịch sởi; Công tác thu dung, điều trị, giải pháp phòng chống diễn tiến nặng và tiêm vắc-xin tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Kinh nghiệm chăm sóc, điều trị ca bệnh nặng và phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Nhi Trung ương; Chia sẻ từ các địa phương về tình hình dịch bệnh, những thách thức và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tags: