Anh ấy là Đỗ Nguyên Đ, sinh ra từ đất Quảng Bình. Lớn lên trong khó khăn của cuộc sống thời chiến tranh gian khổ. Thi đỗ đại học và tốt nghiệp Đại học Ngoại giao, trở thành cán bộ ngoại giao và được cử sang công tác trong cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Kiev. Trong thời gian anh công tác nước ngoài thì vợ mất. Đứa con trai của anh được gửi lại cho em gái vợ là N nuôi. Sau khi trở về nước, nuôi con không lớn, tốt nghiệp đại học, có việc làm, anh tái hôn với một người phụ nữ tên T và sinh thêm cậu con trai. Anh có cuộc sống viên mãn bên người vợ mới cùng đứa con trai út và tập trung nuôi dạy các con.
|
Vay tiền không trả là vi phạm pháp luật. |
Lòng tốt đặt không đúng chỗ
Cũng vì cảm kích sự hỗ trợ của em gái vợ là N, anh đã đền bù cho N những chi phí nuôi nấng con anh một cách hào phóng. Bên cạnh đó, anh dành cho vợ chồng N những khoản để hỗ trợ họ kinh doanh. Hầu như những gì anh tích lũy được trong những năm công tác trong ngành ngoại giao đều dành cho gia đình người phụ nữ tên N vay. Bi kịch bắt đầu từ đó. Khoản vay đầu tiên mà anh dành cho vợ chồng N vào ngày 5/5/2011 là 10 cây vàng với lãi suất 6%/năm theo đề xuất của vợ chồng N. Khoản vay tiếp theo là 54.262 đô la Mỹ với lãi suất theo đề xuất của N là 0,5/%/ tháng. Khoản vay thứ 3 là2.550.000.000 đồng.
Ngày 10/05/2016, vợ chồng người phụ nữ này tiếp tục vay 11.000 đô la Mỹ với lãi suất thỏa thuận. Đến ngày 25/05/2016, họ tiếp tục van nài anh Đỗ Nguyên Đ. cho vay thêm 300.000.000 đồng. Cả hai khoản vay được xác lập bởi giấy nhận tiền ngày 25/05/2016.
Ngoài một số khoản thanh toán tiền lãi thưa thớt trước mỗi lần tiếp tục đề xuất vay, vợ chồng N không chịu trả lại tiền vay theo thời hạn cam kết. Cứ mỗi lần đến hạn trả tiền gốc lại có những lời van vỉ, những giọt nước mắt dàn dụa song ráo hoảnh ngay khi ra khỏi nhà chủ nợ. Đỉnh điểm của sự giả dối trong hành vi của N, ngoài những giọt nước mắt và những lời van xin là lúc anh Đ. bị ung thư.
Căn bệnh ung thư khiến anh không còn tiền để chữa bệnh vì kéo dài. Anh nhiều lần yêu cầu vợ chồng N trả lại tiền cho anh để anh chữa bệnh và lo cho con trai đang học đại học. Thế nhưng, vợ chồng N chẳng hề có chút thương cảm nào đối với anh Đ. Họ vẫn đến “trả nợ” bằng những lời giải thích, lý do được sắp xếp bài bản, những lời van xin cảm động vì tràn đầy nước mắt.
Đáng lên án hơn, khi anh Đ. được bệnh viện trả về vì cơ hội chữa bệnh không còn thì hai vợ chồng Nlại cam tâm làm một việc không thể không đáng nguyền rủa. Lợi dụng lúc T, vợ anh Đ. vắng mặt, hai vợ chồng N tìm lấy chữ ký của anh Đ vào văn bản xác nhận vay nợ của họ mặc dù anh đang sống thực vật, không nhận thức được. Biên bản xác nhận nợ này loại bỏ các khoản vay lớn. Ý đồ này của vợ chồng N không thể thực hiện được vì anh Đ không thể ký, không thể viết vào thời điểm đó.
Chính vì vậy, văn bản này do hai vợ chồng N viết và chữ ký trên văn bản không phải là do anh Đ ký nên chẳng có giá trị gì. Bản xác nhận nợ trở thành bằng chứng tố cáo mưu đồ xấu xa của vợ chồng N, những người lẽ ra phải hàm ơn anh Đ.
Khi ốm liệt trên giường, anh Đ cũng chỉ yêu cầu vợ chồng N trả nợ gốc và bỏ qua lãi. Nguồn tiền vay của anh Đ được sử dụng vào việc gì thì chỉ có vợ chồng N biết. Song có những thứ hiển hiện đó là các căn hộ vợ chồng N mua, là việc họ đưa hết con rồi đến cháu đi học nước ngoài. Yêu cầu trả nợ để chữa bệnh của anh Đ gần như là sự khẩn cầu của anh. Tuy vậy, nó không hề làm động lòng vợ chồng N.
Suốt gần 3 năm anh Đ vật lộn với bệnh tật, vật lộn với việc vay mượn tiền để chữa bệnh ung thư, vợ chồng N vẫn không hề trả dù một phần nhỏ của khoản nợ. Anh Đ chết để lại cho vợ khoản cho vay không đòi được và khoản đi vay chữa bệnh chưa trả được. Đám tang anh cũng được tổ chức dựa vào các khoản tiền mà T, vợ anh Đ vay mượn. Vợ chồng Ncũng không trả một phần tiền vay nhỏ nào để T lo tang sự cho chồng. Cái chết của anh Đ có vẻ càng thêm động lực khiến vợ chồng N không trả nợ cho vợ, con anh Đ.
Trước ý định của T sẽ tố cáo ra Công an và khởi kiện ra tòa án, vợ chồng N cam kết sẽ trả nợ trước 1,5 tỷ đồng vào thời điểm 30/06/2024 và nợ gốc còn lại sẽ trả vào tháng 30/6/2025. Nếu thực hiện đúng cam kết thì T đồng ý không đòi khoản lãi 8.641.548.000 đồng. Tuy nhiên, đến 30/06/2024, vợ chồng người phụ nữ này vẫn đến trả nợ bằng những lời van xin tràn đầy nước mắt cá sấu như những lầntrước.
Vi phạm pháp luật dân sự
Khi tiếp cận lời cầu cứu của vợ anh Đ, tôi nhận thấy trong vụ việc này tiềm ẩn cả sự suy thoái đạođức lẫn sự vi phạm pháp luật. Về đạo đức, lẽ ra vợ chồng N cần phải hàm ơn người đã giúp đỡ mình và phải bên cạnh anh Đ khi người này hoạn nạn. Tuy nhiên, vi phạm đạo đức thì không thể đưa ra pháp luật được mà hãy để xã hội và lương tâm của vợ chồng N phán xét.
Ở đây, bài viết chỉ nêu lên hành vi vi phạm pháp luật của hai vợ chồng N và tham vấn ý kiến chuyên gia pháp luật trước khi thực hiện giải pháp phù hợp đòi lại công bằng cho mẹ con T. Hành vi của hai vợ chồng N thuộc loại vi phạm nào? Về hình sự hay dân sự? Về hình sự thì đó là tội gì? Về dân sự vi phạm quy định nào của Bộ Luật dân sự?
Bộ Luật dân sự năm 2005 có hiệu lực ở thời điểm khoản vay tài sản được thực hiện quy định tại Điều 474 nghĩa vụ của bên vay trả nợ và lãi theo cam kết trong hợp đồng vay nợ. Theo Điều 466 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định tại Điều 466 nghĩa vụ của bên vay trả nợ và lãi theo cam kết trong hợp đồng vay tài sản.
Trong vụ việc này, vợ chồng N đã vi phạm cam kết nhiều lần, kéo dài đến 13 năm và đưa ra nhiều lời hứa nhưng chưa bao giờ thực hiện. Hành vi này vi phạm pháp luật dân sự và hoàn toàn có thể được khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo pháp luật dân sự này ẩn chứa nhiều sự lừa dối, thủ đoạn nhằm chiếm đoạt khoản tiền bằng việc kéo dài việc trả nợ. Vì vậy,hành vi này của vợ chồng N có nhiều dấu hiệu của tội phạm hình sự cần được điều tra làm rõ. Dưới đây là những phân tích định danh tội phạm mà bài viết nêu ra để trao đổi.
Lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản?
Vấn đề đặt ra là hành vi không trả nợ này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản? Trong vụ việc này ranh giới rất mờ nên cần xác định rất kỹ các dấu hiệu của nó.
Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt. Phạm tội thuộc trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Phạm tội trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Căn cứ vào Bộ Luật hình sự 2015, hành vi của vợ chồng người phụ nữ trên hội tụ đủ cấu thành về mức độ nguy hiểm cho xã hội là chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Hành vi chiếm đoạt tài sản giá trị trên 5 tỷ đồng sẽ phải chịu phạt tù từ 12 năm đến chung thân. Điều quan trọng là cấu thành định tội của tội phạm này là “bằng thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản. Vấn đề ở đây là xác định hành vi của vợ chồng người phụ nữ này có cấu thành yếu tố “bằng thủ đoạn gian dối”?
Việc vay nợ không trả trong nhiều năm mặc dù có điều kiện, bằng thủ đoạn khóc lóc, van xin trong suốt 13 năm liệu có phải là sự gian dối? Việc viết sẵn biên nhận nợ trong đó giảm khoản nợ vay rồi lợi dụng tình trạng đau ốm bệnh tật, mất nhận thức của anh Đ để anh ký biên bản xác nhận nợ đủ cho thấy đây là thủ đoạn gian dối.
Như vậy, hành vi của vợ chồng người phụ nữ này cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự và hoàn toàn có thể bị truy tố với khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Hành vi của hai vợ chồng N cũng có thể được định danh là lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định: Người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm; chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Căn cứ vào Bộ Luật hình sự 2015, hành vi của vợ chồng người phụ nữ trên hội tụ đủ cấu thành về mức độ nguy hiểm cho xã hội là chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Hành vi chiếm đoạt tài sản giá trị trên 5 tỷ đồng sẽ phải chịu phạt tù từ 12 năm đến chung thân.
Điều quan trọng cần xác định trong hành vi của vợ chồng N có tồn tại các yếu tố “bằng thủ đoạn gian dối”, “bỏ trốn”, “đến thời hạn trả mà không trả dù có điều kiện”. Với những tình tiết và những chứng cứ hiện có có thể nhận thấy vợ chồng N đã dùng thủ đoạn gian dối; đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Hai yếu tố này kết hợp với yếu tố giá trị tài sản chiếm đoạt đủ để kết luận vợ chồng N phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin đầy đủ danh tính những người trong cuộc và các bằng chứng trong bài viết tiếp theo.