Phần lớn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP HCM hiện nay đều có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng kiểm dịch viên ghi giấy chứng nhận kiểm dịch cho thực phẩm tươi sống xuất đi các địa phương còn thiếu thông tin. Bởi vậy, nhiều người lo ngại việc làm này nếu không quản lý tốt sẽ hợp thức hóa cho việc lưu thông hàng hóa không được kiểm định.
|
Phần lớn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP HCM hiện nay đều có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác. |
Ngày 15/12, Đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với UBND TP HCM về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Kiểm soát phải xuyên suốt một quá trình
Qua giám sát thực tế tại 12 cơ sở, 3 điểm giết mổ tập trung, đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực của TP HCM trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố đang quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung theo quy mô công nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, hiện TP đã có sự phối hợp tốt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện và phường, xã; liên kết và phối hợp với các tỉnh về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Là địa phương đầu tiên đi đầu trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, TP đã quy hoạch được các vùng sản xuất, vùng chăn nuôi tập trung và quy hoạch 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm; đã triển khai hơn 400 điểm kinh doanh nông sản thực phẩm sạch an toàn…
Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, với hơn 10 triệu dân, tình hình an toàn thực phẩm vẫn hết sức phức tạp và là vấn đề nhức nhối của TP HCM. Thông qua việc giám sát thực tế, Đoàn giám sát nhận thấy vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập như nhiều bếp ăn tập thể chưa kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu; một số cơ sở giết mổ xuống cấp, không đảm bảo an toàn; hàng hóa tại các chợ đầu mối vẫn chưa được bảo quản tốt, nguy cơ nhiễm khuẩn cao…
Từ thực tế này, Đoàn giám sát cho rằng việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm không thể kiểm định an toàn một công đoạn, mà phải xuyên suốt một quá trình; phải đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Để làm tốt công tác này, TP HCM cần có những biện pháp phối hợp các tỉnh lân cận, ví dụ như Đồng Nai, địa phương có nhiều trang trại heo, chuyên cung cấp thịt heo lên thành phố. Đáng chú ý là kiểm dịch viên ghi giấy chứng nhận kiểm dịch cho thực phẩm tươi sống xuất đi các địa phương còn thiếu thông tin. Vấn đề này chưa xác định có nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, nhưng nếu không quản lý tốt sẽ là hợp thức hóa cho việc lưu thông hàng hóa không được kiểm định.
Siết chặt “hậu kiểm tra”
Tại buổi làm việc, các bộ, ngành liên quan cũng đã giải trình về một số kiến nghị, đề xuất của thành phố liên quan đến các hoạt động kiểm tra giám sát, chính sách về an toàn vệ sinh thực phẩm; về kiến nghị tăng cường thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ngay trong buổi kiểm tra, giám sát ngày 14/12, Đoàn công tác cũng đã ghi nhận một số ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Đó là nguồn nguyên liệu sạch để chế biến thủy sản ngày càng khan hiếm; tình trạng thủy hải sản nhiễm kháng sinh, sử dụng chất cấm quá nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp. Đã có một số đơn hàng của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã bị trả lại do hàm lượng kháng sinh tồn dư trong thủy sản vượt quá ngưỡng cho phép.
Thực trạng trên đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm tại TP HCM gặp không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Bởi vậy, họ đã đề nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn việc buôn bán, sử dụng các loại hóa chất này.
Trả lời những băn khoăn trên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc thanh tra sắp tới sẽ không thực hiện theo kế hoạch, chuyên đề nữa mà liên tục thanh tra đột xuất. Còn đại diện Bộ Y tế đề nghị thành phố công khai thông tin về các cơ sở sản xuất và kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân có sự lựa chọn, còn các cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ tự đào thải.
Liên quan đến công tác hậu kiểm tra, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng lưu ý, mặc dù TP HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành lân cận cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn nhưng cần phải kiểm soát chặt hơn, không để thả nổi. “Chúng ta quen với câu nói là chuỗi thực phẩm an toàn, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… Nhưng cấp chứng nhận xong phải kiểm soát thường xuyên; các kỹ thuật, điều kiện nuôi trồng, quy cách chuồng trại, ao nuôi, thức ăn… cần có hồ sơ quản lý đầy đủ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, TP đã có sự chỉ đạo kiên quyết xử lý các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, cung ứng thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Mới đây, TP đã triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc trên mặt hàng thịt heo để người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm sạch.
Giải đáp thêm về vấn đề chồng chéo giữa các ngành trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết sẽ tập hợp lại để báo cáo Quốc hội. “Năm tới Quốc hội cũng sẽ thông qua một chương trình trong đó có xây dựng Luật về chăn nuôi, Luật Trồng trọt”, ông Phan Xuân Dũng thông tin.
Liên quan lĩnh vực, nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hôm qua (15/12), Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về vấn đề này. Tại cuộc đối thoại, đại diện các ngành chức năng đã giải đáp, tháo gỡ hàng chục câu hỏi của các doanh nghiệp, chủ yếu liên quan đến vấn đề cấp phép như thế nào, thời gian bao lâu? hoặc những người làm bộ phận hành chính của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có phải tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm? người không trực tiếp chế biến thực phẩm có phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ?...Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, hiện lĩnh vực an toàn thực phẩm được giao cho 3 ngành quản lý, gồm Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương nên các cơ quan quản lý sẽ cố gắng thảo luận để phân định rõ trách nhiệm quản lý từng ngành, tránh sự chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, thời gian qua, Bộ phận một cửa của Chi cục đảm bảo thực hiện tốt là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân để chuyển đến bộ phận chuyên môn giải quyết và nhận, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; theo dõi đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của Chi cục, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Qua đó, đã có nhiều nỗ lực cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc công bố chất lượng sản phẩm và quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm. |