Khi thắc mắc về nguồn gốc của hội rằm tháng ba, người ở đây dường như không một ai nhớ chính xác nó có từ bao giờ.
Vừa sáng sớm, tôi nhận được cuộc điện thoại của một anh bạn: “Mai anh từ Huế về Minh Hóa, về xem cúng ông Bụt, về tìm duyên ở chợ tình. Chú có muốn về tìm duyên cùng anh không?”. Đắn đo giây lát, nhưng rồi tôi cũng đồng ý về “tìm duyên” qua lời mời “lạ” của anh bạn tên Lệ người Nguồn.
Hôm sau, chúng tôi di chuyển bằng xe máy vượt gần 300km từ TP Huế để tới với Minh Hóa, một huyện vùng cao tỉnh Quảng Bình. Men theo đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi rẽ về QL 12A tới thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, nơi sắp diễn ra lễ hội rằm tháng ba, còn gọi là chợ tình.
|
Các vị lãnh đạo tỉnh và huyện đến dâng hương tại thác Bụt, cầu bình an cho người dân. |
Linh thiêng sự tích thác Bụt
Ghé thăm nhà anh Lệ, tôi gặp mấy cao niên trong làng đang hàn huyên, kể lại chuyện hội rằm thời xưa cho mấy đứa cháu nghe. Ai nấy đều toát ra vẻ tiếc nuối vì giờ đã già, không còn sức để đi chợ tình như thời xưa nữa.
Khi thắc mắc về nguồn gốc của hội rằm tháng ba, người ở đây dường như không một ai nhớ chính xác nó có từ bao giờ, cũng không biết được sự hình thành và hình thức sinh hoạt, giá trị văn hoá ra sao.
Nhưng qua bao đời nay, lễ hội này đã ăn sâu vào tâm thức của người dân huyện Minh Hóa và trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là món ăn tinh thần đặc trưng cho vùng đất Cơ Sa-Kim Linh cổ xưa này (nay là Minh Hóa, Quảng Bình), và chỉ có ở vùng Minh Hóa mới có.
Có dịp ngồi cùng những vị cao niên người Nguồn, các cụ kể lại rằng: ngày xưa, có 2 anh em một nhà nông ở làng Yên Đức, xã Yên Hoá (Minh Hóa-Quảng Bình) đi tìm mật ong trên lèn (núi) ông Ngoi. Lên đến đỉnh họ gặp một giếng nước trong vắt, bên giếng có một cây quýt trĩu quả.
|
Các cao niên hát Sắc bùa tại hội rằm tháng ba. |
Gần đó có 12 hòn đá giống hình người nằm dưới gốc cây cổ thụ, bên cạnh có bàn cờ tướng bằng đá. Thấy lạ, người anh dùng dây leo buộc lấy một hòn đá và mang về, đến một con suối mát, họ đặt tượng đá xuống cạnh đó và tắm rửa. Nhưng lạ thay khi tắm xong, người anh đến nhắc tượng đá lên để mang về thì không sao nhắc lên được.
Vì bực mình, anh ta liền dùng rựa chém sứt môi tượng đá, về sau, cả dòng họ của người anh trong nhiều đời liên tục đều có một người khi sinh ra là bị sứt môi, dị tật.
Sau khi 2 anh em đó trở về làng không lâu, làng Yên Đức bỗng sinh ra nhiều dịch bệnh, chim muông, thú dữ về phá hoại mùa màng, phá hoại cuộc sống của người dân.
Sau đó, dân làng lập đàn khấn vái thì một người ứng đồng tự xưng là Bụt, đòi lập đàn thờ. Nghe vậy, dân làng làm theo và tự nhiên dịch bệnh tiêu tan, mùa màng bội thu, con cái khỏe mạnh.
Kể từ đó, tại đàn thờ ở thác Cún hàng ngày có rất nhiều người tới cúng bái, cầu nguyện. Người dân làm một bàn thờ bằng dây rừng bện lại, xung quanh được phát quang, dọn sạch. Lễ vật tùy tâm, có thể chỉ là miếng trầu, lá thuốc, xôi oản...nhưng phải thật sạch sẽ.
Cũng vì người cúng bái quá đông, thác Cún trở nên chật chội và bất tiện cho việc cầu bái nên dân làng Yên Đức đã góp tiền, góp gạo thuê dựng chùa Tú Vàng ở phía nam dốc Cảng cho gần làng hơn để tiện việc tế lễ. Có chùa nhưng không có sư mà chỉ có các ông sãi, ông từ coi giữ, quét dọn và làm lễ cầu cúng cho mọi người.
Ngồi nói chuyện với ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Minh Hóa thì được biết, lễ cúng diễn ra dưới chân lèn (núi) ông Ngoi, bên bờ tả ngạn khe Dác Dòn, dưới các cây cổ thụ rợp bóng mát.
Ngày xưa, người Nguồn dùng đá cuội và đá sạn đắp một mô cao, gác một bàn đá bằng phẳng lên, rồi đặt hai tượng Bụt bằng đá, một lư hương, một cái chén, gọi là bàn thờ Thác Bụt, không có đền cũng chả có miếu thờ.
Lễ vật dâng cúng gồm thẻ hương, trầu, cau, chén nước suối, một đĩa xôi cùng hạt nổ từ lúa nếp, hoặc một nải chuối chín, không dùng vàng mã, hay tiền bạc.
Về sau, người Nguồn lấy ngày rằm tháng ba hằng năm làm lễ hội cúng cầu Bụt tại bàn thờ Thác Bụt để Bụt phù hộ cho trời yên, rừng lặng, gia đình mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái, dân an...
Cho đến nay, người Nguồn luôn giữ gìn, phát huy lễ hội cúng cầu Bụt theo nghi thức cúng xạ tình dân gian Nguồn vào ngày rằm tháng ba hàng năm (tức 15/3 âm lịch).
Qua nhiều năm tháng, giờ phiên chợ rằm tháng ba được nhiều du khách gọi là chợ tình, vào đêm 14 và sáng 15 âm lịch càng trở nên đông đúc, náo nhiệt, là nơi để các bạn trẻ trao duyên, cũng là dịp để anh em, bạn bè lâu ngày gặp mặt, cùng nâng chén rượu gạo, hàn huyên sau những ngày mùa vất vả.
Xuống chợ tình tìm duyên.
Cứ đến mùa con ong đi lấy mật, không cần ai nhắc, những trai làng, gái bản, người lớn, trẻ nhỏ của nhiều bản làng người Nguồn, hay nhiều huyện thành khác, đều háo hức khi phiên chợ tình sắp đến.
Chuẩn bị ngày trẩy hội, ai nấy đều sắm sửa cho mình những bộ vấy mấn đẹp nhất, lộng lẫy nhất để cùng xuống chợ huyện “tìm duyên”.
Khi đêm xuống, ánh trăng rằm miền sơn cước sáng vằng vặc như soi, giữa núi rừng bao quanh, tiếng hát đúm (một điệu hát giao duyên của người Nguồn) vang lên giữa bản làng, là dịp để các đôi trai gái bày tỏ tình yêu lứa đôi...
Chợ rằm, ngày mà bao người mong đợi cũng đến. Mặt trời vừa khuất sau lưng nhà, ánh trăng sáng như chiếu dần ló lên khỏi ngọn núi đàng xa, khắp xóm trên làng dưới râm ran những tiếng hỏi thăm, mời gọi nhau xuống chợ tình.
|
Lửa đêm hội rằm, nơi các chàng trai cô gái có thể tìm hiểu, trao duyên cho nhau. |
Đêm trăng 14, thị trấn Qui Đạt chặt kín người, trên đường đi, từng cặp trai tài gái sắc, dập dìu váy mấn, nắm tay nhau xuống chợ.
Hàng ngàn người ở khắp nơi đổ về xem văn nghệ, các tiết mục hát đúm, hò thuốc, hò kéo nôốc (thuyền), hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên do các đội văn nghệ của các làng, xã biểu diễn.
Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm. Các cô gái, chàng trai thì có dịp được tìm duyên, kết bạn. Từ phiên chợ tình chỉ có một lần trong năm, nhiều cặp đôi đã được xe duyên vợ chồng.
Sáng 15, cũng là phiên chính, từ sáng sớm các đoàn người đã nườm nượp kéo về, các sản vật truyền thống được bà con khắp nơi trong vùng mang về để trao đổi, mua bán. Nào là chè xanh, mật ong rừng, ốc suối đá, bồi ngô... ai có gì thì bán cái đó.
Theo chị Đinh Thị Hồng, ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, vào ngày này ai cũng tranh thủ đến chợ, nếu không xuống chợ thì cả năm thiếu may mắn: “Ai cũng náo nức đến ngày hội chợ rằm rứa. Xuống chợ để lấy hên, cũng là dịp để buôn bán, trao đổi hàng hóa với bà con vùng khác nữa. Cả đêm 14 rồi sáng 15, chị đi bán rứa, năm mô cũng đi bán đủ thứ, ốc, bồi, chè xanh...".
Cứ thế, phiên chợ diễn ra cho tới khi mặt trời lên quá đỉnh đầu, khi hàng hóa thổ sản cũng bán hết, người mua thì cũng mua đủ thứ mình cần, phiên chợ sẽ thưa dần người rồi tan khi chiều xuống. Những chàng trai cô gái, có người may mắn tìm được duyên mới, người chưa có cũng vui vẻ trở về, chờ tới chợ tình năm sau lại tới tìm duyên khác.
|
Tại phiên chợ rằm, nhiều sản vật lạ, đặc trưng của Minh Hóa được bà con bày bán. |
Bây giờ, không chỉ người dân ở các xã trong huyện mà cả du khách ở các huyện thành, hay các tỉnh khác cũng tìm lên góp vui với hội rằm, mua bán hàng hóa thổ sản.
Những năm gần đây, huyện Minh Hóa còn tổ chức cả hội thi thể dục thể thao dân tộc như bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy... cho lễ hội thêm phần náo nhiệt.
Từ xưa người Nguồn có câu truyền miệng rằng: “Thà ốm mà nằm, ai mà bỏ chợ rằm tháng ba...”. Nếu ai đó dẫu chỉ một lần đến với rằm tháng ba, cảm nhận được hết nét duyên của phiên chợ tình Minh Hóa, thì chắc hẳn những ấn tượng đó sẽ rất khó quên, sẽ khiến bạn muốn đến một lần nữa.
Qua năm tháng, tuy có nhiều thay đổi so với ngày xưa, nhưng nó vẫn giữ được nét độc đáo của phong tục, ý nghĩa văn hóa vẫn còn nguyên vẹn.