72 năm qua, dù hầu hết đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng với những thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu năm xưa, nhiệt huyết của ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử vẫn luôn nguyên vẹn trong tâm khảm mỗi người.
Tin nên đọc
Nhớ những lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân
Nói về Công An nhân dân, tại sao ít chia sẻ những hình ảnh này?
Tô thắm hình ảnh người chiến sỹ Công an Nhân dân
Xây dựng phong cách người Công an nhân dân "bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"
Không chỉ đắm mình cùng quá khứ hào hùng “vang bóng một thời”, họ còn muốn truyền ngọn lửa ấy cùng biết bao kinh nghiệm quý từ thực tiễn cách mạng để các thế hệ tiếp nối xây dựng đất nước, Thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.
Những ngày tháng hào hùng
Là một trong những đoàn viên “trẻ” nhất còn lại, ông Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, năm nay cũng suýt soát 90 tuổi. Dù trải qua biết bao gian khổ, nhưng ông vẫn giữ được sự tinh anh, phong thái nhẹ nhàng mà cũng đầy dứt khoát, quyết đoán. Có lẽ chính những tố chất ấy đã giúp cậu học sinh trường Bưởi Lê Đức Vân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù cạm bẫy, tai mắt của địch giăng khắp nơi.
|
Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ phủ (ảnh tư liệu). |
Ông Vân kể: Sáng 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Đáp lại lời hiệu triệu, những đoàn viên Thanh niên cứu quốc với đủ mọi loại vũ khí tự trang bị, dẫn đầu những đoàn biểu tình đông đảo với băng, cờ, khẩu hiệu và khí thế cách mạng đang hừng hực bốc cao đã tỏa đi khắp nội thành Hà Nội, tổ chức cho quần chúng cách mạng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám, Sở Tài chính.
Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm lĩnh mới có thể coi là thắng lợi hoàn toàn là Trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Nơi đây có hàng ngàn lượt lính Bảo an đồn trú. Chúng được được trang bị đầy đủ vũ khí, là một lực lượng quan trọng của địch ở Hà Nội và trên miền Bắc lúc bấy giờ. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Đoàn thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu là lực lượng chủ công.
Khi Đoàn tiến đến Trại Bảo an binh, cổng trại được khóa chặt và có hai tên lính gác. Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng không được, một đoàn viên đã dùng kiếm chặt đứt dây xích khóa cổng, dòng người tràn vào trong, chia nhau chiếm giữ các vị trí trọng yếu của địch và khống chế lính Bảo an. Mặt khác ta cũng phái cử người đi gặp Tư lệnh quân Nhật ở Hà Nội để thương lượng.
Sau đó, Nhật rút xe tăng, ta tiến vào chiếm Trại Bảo an binh, phá kho súng phát cho tự vệ. “Đến khoảng 18 giờ, toàn bộ cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn ở Hà Nội bị ta chiếm giữ. Cuộc cách mạng thắng lợi, chúng ta không phải đổ máu. Nhưng để có được điều đó chúng ta đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị từ nhiều năm trước”- ông Lê Đức Vân nhớ lại.
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Phân tích về những bài học làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945 cho rằng, đó là nhờ ta đã nắm vững thời cơ và sáng tạo trong thực hiện.
“Lúc đó 2 vạn quân Nhật chưa được lệnh hạ vũ khí, nếu nổ súng thì sẽ dẫn đến đổ máu và chưa biết kết quả thế nào. Nên cái giỏi lúc đó là ta đã làm tốt công tác địch vận, chiến thắng mà không phải đổ máu, không phải hy sinh”- Đại tướng nói và cho rằng để giành được độc lập, Đảng đã lãnh đạo sáng suốt, có lúc dùng chính trị, có lúc ngoại giao và đến lúc thích hợp thì dựa vào sức dân…
Đồng tình với quan điểm này, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Việt Minh Thành Hoàng Diệu Vũ Oanh, cũng cho rằng, nếu toàn dân đoàn kết, không việc gì không thể, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay cũng vậy, phải tuyên truyền thế nào để Nhân dân cùng đồng thuận, tham gia, bởi sức dân sẽ tạo nên những phong trào mạnh mẽ. “Ngày xưa khó khăn là thế, nhưng Việt Minh đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình là vận động, quy tụ được Nhân dân một lòng đứng lên giành được độc lập, tự do”- ông Vũ Oanh nói.