Vào làng Quảng An (Tây Hồ), hỏi gia đình nhiều đời ướp trà sen, ai nấy đều chỉ tới nghệ nhân Nguyễn Văn Xiêm.
Nói đến nghệ thuật ướp trà sen, phải nói đến những làng cổ ven Hồ Tây. Nhiều gia đình ở Quảng An, Tây Hồ và Nghi Tàm đã lưu truyền môn nghệ thuật ướp trà, nghệ thuật ướp trà tinh tế được gọi là “Tiên ẩm”.
Để “Tiên ẩm” ngày càng vươn xa, đầu tháng 10 vừa qua, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội đã phê duyệt “Xây dựng không gian thưởng thức trà sen Tây Hồ, tìm hiểu về trà sen, phương thức ướp trà sen và thưởng ngoạn cảnh quan Hồ Tây”.
|
Thưởng thức Tiên ẩm giữa đất Kinh kỳ. |
Những nghệ nhân “níu hồn” hương sen
Vào làng Quảng An (Tây Hồ), hỏi gia đình nhiều đời ướp trà sen, ai nấy đều chỉ tới nghệ nhân Nguyễn Văn Xiêm. Nhà nghệ nhân Xiêm ẩn sâu trong ngõ Quảng An, khuất lấp sau những ngôi biệt thự sang trọng. Pha ấm trà sen đậm chất Hồ Tây, ông Xiêm (sinh năm 1948) từ tốn kể về nghiệp ướp trà.
Ông vốn là đời thứ 7 làm nghề ướp trà sen. Trước đây, cứ mùa hè, Hồ Tây rộng lớn phủ đầy hoa sen. Người Hà Nội từ xa xưa đã tìm cách đưa hương sen Tây Hồ vào nghệ thuật uống trà, bằng cách ướp trà sen. Nói đến nghệ thuật ướp trà sen, phải nói đến những làng cổ ven Hồ Tây.
Nhiều gia đình ở Quảng An, Tây Hồ và Nghi Tàm đã lưu truyền môn nghệ thuật tinh tế này. Gia đình ông nằm trong số đó. Ông Xiêm kể, ngay từ nhỏ, khi lẫm chẫm bước đi, ông đã biết cầm hoa xem ông bà, bố mẹ ướp trà. Lớn lên một chút, anh em ông xúm vào giúp mẹ tách cánh, phơi nhị…
Nghề ướp trà “ngấm” vào ông lúc nào chẳng hay. Ông được gia đình truyền lại những bí quyết ướp trà. Ông Xiêm bảo, ướp trà đã khó, nhưng cái khó hơn chính là việc thưởng thức trà sen như thế nào để cảm nhận hết tinh hoa của chén trà mới là quan trọng.
Trà này không phải để uống giải khát mà để thưởng thức. Nói về thú thưởng trà, có lẽ không nơi đâu có thể sánh với người Hà Nội. Chính sự cầu kỳ, tinh tế trong cách thưởng thức trà của người dân Kẻ Chợ đã khiến thú vui tao nhã trở nên đặc biệt hơn nhiều vùng khác.
Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người Hà Nội, bắt đầu từ chính những ngôi làng ven hồ Tây, nơi có những đóa sen bách diệp. Những bậc cao niên ướp trà ở làng Quảng An như cụ Nguyễn Thị Dần, cụ Trần Thị Ngó kể rằng, nghề ướp trà sen đã có từ xa xưa lắm.
Có lẽ từ khi người Hà Nội biết uống trà và nhận ra vẻ đẹp thanh quý của hoa sen. Cứ đời nọ truyền cho đời kia. Ðến mùa, người dân ra đầm ngay cạnh làng để hái sen về ướp. Xưa, sen Tây Hồ có nhiều, giờ chỉ có ba ngôi làng cổ: Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ. Sau thế hệ cụ Dần, cụ Ngó, các nghệ nhân tiếp tục nối nghiệp là ông Ngô Văn Xiêm, ông Lê Văn Giao, bà Trần Thị Loan, ông Vũ Hoa Thảo...
Họ là những người ướp trà sen có tiếng ở đất Tây Hồ. Theo các nghệ nhân, nghề ướp trà đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn. Sen nở rộ từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8. Buổi sáng sớm, khi những bông sen còn e ấp hơi sương, tinh túy của đất trời còn đọng lại trong đài nhụy, đây chính là thời điểm lý tưởng nhất để hái sen ướp trà. Khi hoa đã đầy thuyền, ông lại mang về tách và phơi nhị (gạo sen).
Việc lấy hạt nhụy hoa phải khéo léo và nhanh để đảm bảo giữ được nhiều hương sen. Phần chè được chọn ướp sen phải cho ủ cánh sen từ hôm trước để chè mềm ra, vì như thế chè mới thả sức mà thẩm thấu hết cái tinh túy của gạo sen. Sau đó bắt đầu ướp chè với gạo sen.
Một lớp chè, một lớp gạo, lớp được ướp về sau thì phải tăng phần gạo lên như thế gạo mới đủ sức để ngấm chè. Ướp trong khoảng 2 tiếng từ 7 giờ đến 9 giờ sáng là tốt nhất, vì thời điểm đó mới giữ được hương sen. Cứ mỗi 1kg chè, người ta phải dùng hai lạng gạo sen cho một lần ướp. Ướp xong lại đem sấy khô, ướp tiếp lần hai. Cứ ba ngày thì được một lần ướp như thế.
Trà sen muốn thơm ngon và được nước thì phải trải qua 7 lần ướp hương và tách gạo như thế. 21 ngày ướp và sấy mới được một mẻ trà sen. Ngoài chọn chè ngon (ở Tân Cương, Thái Nguyên), thì công đoạn sấy rất cần bí quyết nhà nghề.
Thưởng thức ấm trà sen Hồ Tây dù đã nước thứ 5 mà vẫn còn hanh vàng và đượm mùi, ông Xiêm cười khà khà tự hào: “Thế mới là trà sen Hồ Tây đích thực. Không phải ngẫu nhiên trà sen được mệnh danh là “Tiên ẩm”.”
“Phủ sóng” cách ướp trà sen
Để “Tiên ẩm” ngày càng vươn xa, đầu tháng 10 vừa qua, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội đã phê duyệt “Xây dựng không gian thưởng thức trà sen Tây Hồ, tìm hiểu về trà sen, phương thức ướp trà sen và thưởng ngoạn cảnh quan Hồ Tây”.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, ướp trà sen là nghề truyền thống lâu đời của người dân phường Quảng An và sản phẩm trà sen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngoài thưởng thức trà sen và tìm hiểu giới thiệu văn hóa làm trà sen truyền thống, cách thưởng thức “Tiên ẩm”, nơi đây còn tổ chức các hoạt động nghệ thuật dân gian quan họ, chầu văn, ca trù, múa rối nước…
Để thêm sinh động và gần gũi thiên nhiên, không gian thưởng thức trà sen sẽ có các chòi thưởng trà, cầu hoa giấy, thảm cỏ lớn với bộ bàn ghế mây, gỗ…
Khu vực này dự kiến có sức chứa khoảng 300 người. Phạm vi hoạt động của không gian gồm: Đầm Thủy Sứ có diện tích mặt nước 4ha, hồ Thủy Sứ, đảo nổi trên hồ, vườn hoa và các khu vực lân cận - nơi trồng sen bách cánh, loại sen có hương thơm ngát và là nơi những nghệ nhân biểu diễn ướp trà.
Không gian thưởng thức trà sen Tây Hồ có thể kết nối với các di tích lịch sử nổi tiếng nằm ven Hồ Tây như chùa Tảo Sách, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh…
Hơn ai hết, các nghệ nhân mong muốn nghệ thuật thưởng thức “Tiên ẩm”, nghệ thuật ướp trà “phủ sóng” tới mọi người.
Với một người cả đời dành trọn tình yêu với sen, ông Xiêm sẵn sàng chia sẻ bí quyết nhà nghề với tất cả những ai nặng lòng với “Tiên ẩm” để“Tiên ẩm” trở thành nét đẹp, nét văn hóa làm say đắm bao người con đất Việt.