Chỉ cần một bát nước giếng, vị “thần y” này dùng khí từ miệng thổi vào là có thể cứu chữa được hàng trăm người bị rắn độc cắn. Người có biệt tài này là ông Bùi Văn Đặng (65 tuổi) ở thôn Nghẹn, xã Thành Minh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Ngoài thổi khí vào bát nước, ông Đặng còn kết hợp lá cây đắp lên để sát trùng.
|
Ông Đặng ra vườn nhà chỉ cho phóng viên những lá thuốc dùng để cứu người khỏi độc rắn. |
Dùng “khí công” để chữa rắn độc cắn
Vượt hơn 100km từ Hà Nội về vùng đất Mường, chúng tôi được người dân địa phương giới thiệu về một người chuyên chữa rắn độc cắn bằng nước lã. Ông được người dân nơi đây gọi một cách trìu mến là “thần y” chữa rắn cắn.
Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Đặng đang ăn cơm trưa. Thấy có khách, ông bỏ đũa để tiếp chuyện. Khi chúng tôi hỏi về cách chữa rắn độc cắn, ông Đặng bảo: “Phương pháp này do tổ tiên truyền lại. Cha tôi là Bùi Văn Hào, từng là một ông Mo nức tiếng ở trong làng. Ông có thể trừ tà, biết phép thuật yểm trợ và chữa rắn độc cắn cực giỏi”. Thừa hưởng bí quyết từ người cha truyền lại, ông Đặng đã vận dụng để cứu hàng trăm người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ông Đặng bảo: “Với phương pháp chữa rắn độc cắn gia truyền, tôi còn chữa được cho cả trâu bò”. Trong làng, ngoài xã nếu không may ai bị rắn độc cắn là ông Đặng lại đến chữa trị, chỉ cần người nhà đọc tên loại rắn cắn là ông làm phép ngay.
Ông chia sẻ: “Thực ra cũng chẳng có gì kỳ lạ đâu, quan trọng là mình phải biết thuật thôi miên”. Tôi tỏ ý không hiểu thôi miên là như thế nào, ông cười bảo: “Đó là phương pháp gia truyền của tổ tiên, không thể tiết lộ được”. Để chứng minh cho điều mình nói, ông liền gọi đứa con ra giếng múc một bát nước lã đem vào để làm thử. Sau khi có bát nước, ông cầm lên nhìn chăm chăm vào trong bát, đồng thời thổi hơi và đọc nhẩm trong miệng những câu gì đó bằng tiếng Mường rồi đặt bát nước xuống.
Với bát nước đã được ông Đặng làm phép, một nửa được rót cho người bị rắn độc cắn uống ngay sau đó, nửa còn lại ông vuốt lên cơ thể. Theo ông Đặng, nguyên tắc là phải vuốt xuôi từ trên đầu xuống dưới chân. Vuốt đến đâu thấy da hồng hào trở lại là người bị rắn cắn đã qua cơn nguy kịch.
Khi nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, ông Đặng sẽ lấy 3 loại lá cây rừng nhai hoặc giã đắp vào vết thương cho khỏi bị nhiễm trùng. Chúng tôi tỏ ý thắc mắc những loại lá cây đó lấy ở đâu, ông Đặng nói: “Lấy ngay ở bờ rào chỗ nào cũng có. Ba thứ lá đó theo tiếng Mường được gọi là lá quả nọc, lá riêng riêng và lá cây giăng”.
Khi chữa cho trâu bò, ông Đặng kỵ nhất là con vật bị lấm bùn đất hoặc sắp chết, những trường hợp như vậy rất khó để tìm vết thương. Cách chữa cho trâu bò bị rắn cắn cũng tương tự như ở người, tức là phải vuốt nước từ sống lưng xuống chân.
Thấy chúng tôi chăm chú lắng nghe, vợ ông Đặng nói xen vào: “Mới năm ngoái anh Bùi Văn Thảo chết tím khi mang đến, may mà được ông nhà chữa khỏi”. Ông Đặng góp chuyện: “Nghe đâu anh Thảo đi làm nương, thấy con hổ mang chúa bò trong bụi cỏ nên túm đuôi để bắt. Nhưng bất ngờ đầu rắn vướng vào chiếc quần rách và anh lãnh trọn miếng cắn vào bắp đùi”.
Thời trai trẻ ông Đặng từng đi bộ đội đóng quân ở Bắc Thái (Bắc Kạn và Thái Nguyên). Có một kỷ niệm mà ông vẫn nhớ như in: “Ngày ấy, tiểu đội hành quân trong rừng. Lúc nghỉ trưa ở bờ suối, đồng chí Hà Mạnh Chiến người ở Nghệ An đi tiểu, bất ngờ con rắn lục cuộn trên cành đớp thẳng khiến cánh tay sưng vù. Do bệnh viện ở xa, không còn cách nào khác nên tôi phải ra tay và cứu được đồng chí Chiến”. Sau khi xuất ngũ về quê, ông Đặng được bầu giữ chức Trưởng thôn ở xóm Nghẹn.
|
Chân dung vị “thần y” Bùi Văn Đặng chữa độc rắn bằng khí công. |
Đến giờ ông Đặng cũng không nhớ nổi là mình đã chữa cho bao nhiêu người: “Với tôi, nghề này là phải có cái tâm, làm phúc để cứu người chứ không vì danh lợi”. Hàng năm cứ đến ngày lễ tết, những người được ông chữa khỏi lại về thăm ông rồi thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên. Nhờ phước được ông cứu sống nên họ luôn coi ông Đặng là người cha của mình.
Nghe người bị rắn độc cắn kể chuyện
Tò mò về phương pháp chữa rắn độc cắn đầy bí ẩn và kỳ lạ này, chúng tôi tìm đến nhà những người đã được ông Đặng chữa khỏi để tìm hiểu. Đầu tiên là gia đình chị Quách Thị Thành có đứa con thứ 2 là Quách Văn Trường được ông chữa khỏi.
Khi đến nhà, chị Thành đang phơi sắn ở ngoài sân. Thấy tôi nhắc đến chuyện đứa con bị rắn cắn, chị Thành kể: “Hôm ấy khoảng 2h, con tôi đang thả trâu ở vạt rừng sau nhà thì hốt hoảng về nhà kêu bị rắn cắn. Tôi hỏi rắn như thế nào, cháu ú ớ bảo bị rắn màu xanh cắn vào chân. Tôi hoảng quá, bởi đó là rắn lục - một loại rắn cực độc”.
May lúc đó, bà Hiền (hàng xóm) có mặt bảo phải mời ông Đặng ngay, bởi bà cũng có đứa con thứ 4 trong nhà từng bị rắn độc cắn và được ông Đặng chữa khỏi. Chị Thành bàng hoàng nhớ lại: “Khi ông Đặng đến, con tôi đã tím tái một nửa người. Ông Đặng bảo tôi múc một bát nước lã lên, sau đó tôi thấy ông hà hơi đọc chú vào bát nước, rồi ông lấy một nửa bát nước cho cháu uống, nửa còn lại vuốt xuôi lên cơ thể và một hồi sau da con tôi hồng hào lại. Một lúc sau ông Đặng dặn tôi ra vườn hái ba thứ lá mang về giã ra đắp lên vết thương, con tôi đắp đến lần thứ 4 thì khỏi hẳn”.
Một trường hợp “thập tử nhất sinh” bị rắn cạp nia cắn được ông Đặng cứu sống là anh Bùi Văn Bường ở xóm dưới. Khi nhắc đến chuyện bị rắn cắn, anh Bường vẫn chưa hết run sợ kể lại: “Năm trước tôi bị rắn cạp nia cắn, nọc độc phát tán rất nhanh, chỉ sau mấy phút toàn thân tôi cứng đờ, ngất lịm. May mắn có người hàng xóm biết ông Đặng nên mới gọi đến chữa trị. Sau hơn 30 phút tôi tỉnh dậy, cảm giác đau đớn do rắn cắn dần biến mất. Khi tỉnh lại, tôi chỉ nghe mọi người bảo ông Đặng dùng hơi thổi vào bát nước rồi vuốt cho tôi, đúng là điều thần kỳ”.
Mặc dù đã cứu rất nhiều người thoát khỏi cái chết nhưng ông Đặng không màng đến danh lợi hay ơn huệ gì của ai cả. Khi chúng tôi hỏi đến chuyện trả ơn, ông Đặng cười bảo: “Việc tôi cứu chữa người khỏi độc rắn xuất phát từ cái tâm cứu người. Tổ tiên từ trước đến nay không ai xem nó là nghề mưu sinh, tôi làm việc là chỉ mong muốn cứu người thôi, nhà báo à”.
Theo chị Thành - mẹ của cháu Trường, những người bị nguy kịch khi đến nhà để xin thuốc chữa độc rắn đều được ông Đặng nhiệt tình cứu chữa. Hàng năm, chị cũng chỉ mua một chai rượu hoặc lạng chè, nếu năm nào gia đình có điều kiện thì mang thêm con gà trống dâng lên bàn thờ “thánh sư” thắp hương là ông quý lắm rồi.