Vừa qua, theo chỉ đạo của UBND huyện Tân Thành, phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ban ngành cùng với chủ đầu tư làm rõ cơ sở pháp lý nguồn gốc đất của người dân.
UBND huyện: Xác định đất nằm trong hay ngoài ranh rừng phòng hộ
Sau khi Pháp luật Plus đăng tải loạt bài phản ánh “Vụ đất nông nghiệp bị “hô biến” thành rừng phòng hộ” tại Bà Rịa- Vũng Tàu, đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Mới đây, UBND huyện Tân Thành đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) và chủ đầu tư dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng và Phú Mỹ III làm rõ cơ sở pháp lý về đất đai và chính sách bồi thường cho người dân.
|
Biên bản buổi làm việc ngày 6/6/2017 làm rõ cơ sở pháp lý và chính sách bồi thường cho người dân. |
Theo đó, buổi làm việc ngày 6/6/2017, tại hội trường phòng TNMT huyện Tân Thành gồm có các đại diện phòng TNMT, phòng Tư pháp huyện, Thanh tra huyện, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, xã Tân Phước, xã Phước Hòa, BQL RPH, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ II, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ III.
Thông qua buổi làm việc ngày 6/6, các bên thống nhất một số nội dung, trong đó đề nghị chủ đầu tư, UBND xã Tân Phước, UBND xã Phước Hòa, Trung tâm phát triển quỹ đất cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến các hộ dân trong loạt bài “Vụ đất nông nghiệp bị “hô biến” thành rừng phòng hộ” mà Pháp luật Plus đã phản ánh.
Tiếp đó, các thành phần tham gia làm việc cũng thống nhất việc đề nghị BQL RPH tỉnh có văn bản gửi UBND huyện Tân Thành và phòng TNMT nêu rõ tính pháp lý về khu đất nằm trong hay ngoài ranh giới rừng phòng hộ theo quyết định của UBND tỉnh.
Cần xử lý thích đáng nếu có sự cấu kết ngầm "phù phép" đất
Như trước đó Pháp luật Plus đã đăng tải về việc phản ánh của các hộ dân, trong đó có bà Võ Thị Minh (ấp Tân Lộc, xã Tân Phước), ông Bùi Văn Riêm (ấp Phước Long, xã Tân Hòa), ông Ngô Trọng Hiếu (ấp Tân Lập, xã Phước Hòa), bà Trần Nam Phương (ấp Tân Lộc, xã Tân Phước), cùng một số hộ khác có đất nằm trong quy hoạch dự án KCN Phú Mỹ II mở rộng và KCN Phú Mỹ III thì đất của các hộ dân đều là đất canh tác sử dụng nhiều năm qua.
|
Ruộng muối của người dân đang canh tác từ xưa đến khi bị thu hồi lại được chính quyền địa phương cho là rừng phòng hộ. |
Theo đó, các hộ dân cho rằng trong quá trình sử dụng đất, người dân có thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, việc sử dụng đất được chính quyền địa phương công nhận.
Thế nhưng, khi thu hồi đất của các hộ dân để giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị KCN Việt Nam IDICO (chủ đầu tư dự án KCN Phú Mỹ II), chính quyền địa phương đã không ban hành quyết định thu hồi đất, không bồi thường thiệt hại về đất. Qua đó, quyền sở hữu đất của các hộ dân không được chính quyền địa phương xem xét.
Kì lạ hơn nữa là trong quá trình thu hồi, các phần đất của người dân bỗng được thông báo là đất của BQL RPH Bà Rịa – Vũng Tàu. Bất ngờ hơn, sau đó lộ ra thông tin những phần đất này đã được BQL RPH ký hợp đồng giao khoán cho những người “lạ” mà theo người dân là họ không hề hay biết.
|
Hợp đồng khoán của bà Ngọc nhận 16,5ha rừng vào năm 2007. |
Theo đó, các hộ nhận khoán như bà Ngô Thị Ngọc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ông Trần Nam Anh, bà Trần Thị Tý, bà Nguyễn Thị Hằng, bà Đàm Thị Vóc trong hợp đồng giao khoán đều thể hiện là phần lớn được giao rừng được trồng bằng ngân sách nhà nước.
|
Nhưng sau hơn một năm nhận khoán, diện tích rừng của bà Ngọc bỗng lại chính là ruộng muối và đùng nuôi tôm mà gia đình bà Minh đã canh tác từ xưa. |
Thế nhưng sau đó kiểm kê, một số phần diện tích rừng trong hợp đồng khoán của các hộ trên bỗng dưng “không cánh mà bay”. Trong đó hiện trạng sử dụng đất này đột nhiên lại trùng đúng phần đất mà nhiều hộ dân tại địa phương canh tác làm muối và đùng nuôi tôm từ nhiều năm qua có xác nhận của chính quyền địa phương.
Đất đang canh tác, nhưng bất ngờ bị giao vào tay người khác mà không hay biết. Người dân bức xúc kêu cứu khắp nới đòi quyền lợi, nhưng nhiều năm qua sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Có hay không chuyện có sự bắt tay ngầm, cấu kết lẫn nhau của người có chức quyền để "phù phép" những diện tích đất nông nghiệp thành đất rừng phòng hộ?
Việc người dân sử dụng, canh tác và quản lý là có thực, có xác nhận của chính quyền địa phương qua các thời kỳ. Và hiện thực những ruộng muối của dân nay vẫn còn đó. Không thể có chuyện trong cùng thời điểm, trên một diện tích đất lại có thể xác định 2 hiện trạng hoàn toàn khác nhau.
Với quan điểm chỉ đạo của UBND huyện Tân Thành làm rõ tính pháp lý của đất, người dân đang ngóng chờ một kết quả công tâm, minh bạch. Bởi hơn ai hết, người dân đang hy vọng những giọt mồ hôi, công sức của mình đổ ra trên đất suốt nhiều năm qua được xem xét đền bù thỏa đáng khi Nhà nước có chính sách thu hồi.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.