Trước diễn biến không tốt của tăng trưởng kinh tế quý 1/2017, Cty CP Nghiên cứu thị trường MarketIntello vừa hạ dự báo tăng trưởng cho cả năm xuống 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
|
Ảnh minh họa. |
Tăng trưởng nhờ bên ngoài
Tăng trưởng kinh tế quý 1/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ 2016 (5,5%) và thấp hơn các dự báo.
Trong khi khu vực dịch vụ tăng 6,52% (cao hơn cùng kỳ 2016 là 6,13%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự phục hồi với mức tăng trưởng 2,03% (cùng kỳ 2016 giảm 1,23%) thì công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 4,17% (cùng kỳ 2016 tăng 6,72%).
Phân tích của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sản lượng dầu khí khai thác trong quý 1 được cắt giảm chủ động 600.000 tấn đã khiến GDP giảm tới 0,85 điểm phần trăm.
Theo kế hoạch của chính phủ, sản lượng khai thác dầu khí sẽ được giảm từ hơn 15 triệu tấn xuống còn 12,28 triệu tấn trong cả năm 2017, báo hiệu ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của các quý còn lại trong năm.
Tuy nhiên theo phân tích của MarketIntello, tăng trưởng kinh tế thấp còn do nhập siêu cao và đầu tư chậm lại và cầu tiêu dùng nội địa còn tương đối yếu.
Đặc biệt, trong quý I/2017 tốc độ phát triển vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ đạt 8,6%, (quý I/2015 là 9,7%, quý I/2016 đạt 10,9%).
Đáng chú ý, vốn đầu tư không chỉ chậm lại ở khu vực đầu tư nước ngoài như được dự báo, cả đầu tư từ khu vực nhà nước và tư nhân cũng đều chứng kiến mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2016.
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong quý 1 gặp nhiều khó khăn trong giải ngân khi tốc độ tăng lũy kế chỉ đạt 6,9% vào cuối quý, thấp hơn nhiều cùng kỳ 2016 (18,7%) và cuối năm 2016 (21,9%).
“Sự đối lập giữa cung và cầu trong nước, cùng mức tăng tốt của xuất khẩu cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế đang gia tăng động lực từ nhu cầu nước ngoài”, ông Đinh Tuấn Minh – Giám đốc MarketIntello lưu ý.
Rủi ro và thách thức
Theo nhận định của MarketIntello, với kế hoạch cắt giảm khai thác dầu thô và những dấu hiệu kém khả quan ở khu vực công nghiệp trong quý 1/2017, mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Quốc hội khó đạt được.
MarketIntello cho rằng, thách thức chủ yếu của nền kinh tế là làm thế nào để tiếp tục khuyến khích được đầu tư từ khu vực tư nhân.
“Đầu tư suy giảm là một trong các nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không đạt được kỳ vọng trong quý 1. Vì vậy, trong bối cảnh dòng vốn FDI hạn chế và giải ngân vốn ngân sách gặp khó khăn, kinh tế Việt Nam rất cần các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư tư nhân phát triển…”, Giám đốc MarketIntello phân tích.
Cũng theo MarketIntello, với việc cầu tiêu dùng trong nước yếu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Điều này càng khiến các rủi ro thương mại quốc tế có sức ảnh hưởng lớn hơn đến tình hình kinh tế trong nước.
Ngoài ra, cầu nội địa yếu cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của DN trong nước vì họ khó có thể chuyển gánh nặng lạm phát sang cho người tiêu dùng nội địa.
Lạm phát sẽ tiếp tục khó kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu 4% trong năm. Nếu Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 như đã đề ra, MarketIntello dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ từ nửa sau của năm và gây thêm áp lực tăng chỉ số giá cả.
Xu hướng tăng của các hàng hóa cơ bản mà đặc biệt là giá nhiên liệu, cùng sự lên giá của đồng USD cũng sẽ tạo thêm áp lực gia tăng lạm phát…
Báo cáo nghiên cứu quý I vừa được MarketIntello công bố đã dự báo tăng trưởng 2017 chỉ ở mức 6,1%, lạm phát 4,3%. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ nhưng công nghiệp khai khoáng suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể. Lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 4,3%. Khả năng tăng giá điện và mở rộng chính sách tiền tệ vào nửa sau của năm có thể đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 4%. Mặt bằng lãi suất tương đương năm 2016. Mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn sẽ chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 0,1 điểm phần trăm nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ NHNN và Chính phủ. Tuy nhiên, trước áp lực tăng lãi suất của đồng USD, có thể ở một số thời điểm NHNN phải nâng lãi suất VND để bảo vệ tỷ giá. |