Không khí Hà Nội tiếp tục ô nhiễm ở mức cao. |
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Tại Thủ đô Hà Nội, cả ba hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PAM Air và Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận mức độ ô nhiễm màu tím.
Trong khi 4 điểm đo ở Thái Nguyên phổ biến ở mức tím và đỏ. Các điểm đo khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cũng ở mức tím.
Ô nhiễm cũng ghi nhận nghiêm trọng ở các địa phương có hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp phát triển như Vĩnh Phúc, Phú Thọ với ngưỡng ô nhiễm từ đỏ tới tím.
Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội còn có thể kéo dài ít nhất trong một tuần tới, khi điều kiện khí tượng tiếp tục không thuận lợi cho việc phát tán chất ô nhiễm.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Vào thời gian này, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất, gây ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.
Theo kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý IV năm 2024, việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của Nhân dân Thủ đô.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.
Điển hình, đã xoá bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xoá bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm đưa Thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng carbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" – net zero vào năm 2050.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan Nhà nước để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.