Dường như sự tử tế ngập tràn trong thế giới ảo nhưng lại hiu hắt ngoài đời thực.
Trong xã hội chúng ta có không ít người sẵn sàng trải rộng tấm lòng, tình yêu thương để bao bọc những phận đời nhỏ bé, bất hạnh khác. Và mỗi khi có ai đó thực hiện một hành động tử tế, dư luận lại xôn xao ca ngợi.
Bé Hải An mới 7 tuổi sẵn sàng hiến giác mạc để tặng ánh sáng cho người khác khi biết mình không qua khỏi bệnh nặng khiến hàng triệu con tim nức nở. Cặp vợ chồng anh chị Nguyễn Thị Ngọc Phương quyết định hoãn mua ô tô, vượt qua hàng nghìn km để cưu mang một em bé 6 tuổi khiến nhiều người xúc động. Cô gái Phạm Thanh Tâm dù chưa lấy chồng nhưng vẫn quyết định nhận nuôi một bé gái 14 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng nặng làm bao người thổn thức.
Hình ảnh người đàn ông ở Lục Ngạn – Bắc Giang mang chăn mà vợ chồng mình đang đắp ra tặng cụ ông ăn xin trú ngụ ở cây ATM thật ấm lòng chúng ta những ngày đông lạnh giá cuối năm 2017. Thậm chí, một nam sinh quê Thanh Hóa hi sinh cả tính mạng để cứu ba mẹ con bị đuối nước khi đi thả cá trong lễ ông Công, ông Táo vừa qua…
|
Dường như sự tử tế ngập tràn trong thế giới ảo nhưng lại hiu hắt ngoài đời thực. Ảnh minh họa |
Người ta dành những mỹ từ đẹp nhất để ca ngợi những “người tử tế”, những hành động tử tế. Sự tôn vinh ấy là hoàn toàn xứng đáng nhưng vẫn khiến chúng ta giật mình tự hỏi: Phải chăng xã hội đang quá ít những điều tử tế nên họ mới trở thành cá biệt, khiến nó trở thành “hiện tượng”, sự kiện “lạ”?
Rõ ràng, xã hội của chúng ta không thiếu những điều tử tế, nhưng những nghĩa cử ấy vẫn còn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Ở Mỹ, năm 2017, hơn 10.000 người hiến tặng xác cho y học sau khi họ chết, có 35.000 ca ghép tạng được thực hiện[1]. Có thể thấy hiến tạng đã trở thành một việc khá bình thường, một nghĩa cử, một thứ trách nhiệm công dân nằm trong ý thức của nhiều người.
Trong khi ở Việt Nam, việc hiến tạng vẫn là một hoạt động xa lạ. Kể từ khi thành lập (năm 2014) đến tháng 2/2017, Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia mới nhận được hơn 6.800 người đăng ký hiến tạng. Trong bối cảnh ấy, hành động tự nguyện hiến giác mạc của bé Hải An lại càng trở nên hiếm hoi, thành chuyện lạ.
Chúng ta cảm phục, xúc động trước bé Hải An, nhưng sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều nếu hành động hi sinh cao cả ấy trở thành lẽ đương nhiên, như điều bình thường mà bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như em đều có thể làm.
Con người sinh ra vốn có thiện tâm. Trên mạng xã hội, cái thiện tâm, trái tim đầy ắp tình yêu thương của mọi người được dịp nảy nở rực rỡ. Thế giới ảo của người Việt ngập tràn điều tử tế, bác ái: vô số bình luận (comment) đầy yêu thương, chia sẻ, động viên dành cho những số phận bất hạnh, thiệt thòi.
Đáng tiếc, nhiều người có thể tử tế, hô hào làm việc tốt khi ngồi trước bàn phím nhưng khi ra đời thực, họ lại vô tư đi ngang qua người gặp tai nạn mà không mảy may định giúp đỡ hay sẵn sàng lọc lừa, buôn gian bán lận. Dường như sự tử tế ngập tràn trong thế giới ảo nhưng lại hiu hắt ngoài đời thực.
Mặt khác, không phải không có lý do khi có người chỉ dám thể hiện thiện tâm trong thế giới ảo mà không dám thực hành trong cuộc sống.
Bởi người ta sợ liên lụy, thậm chí thành nạn nhân khi làm điều tử tế. Cuối tháng 11/2017, một cô gái ở Biên Hòa (Đồng Nai) bị đánh bầm dập vì đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Cô chỉ là một trong nhiều người từng bị "vạ lây" vì cứu người bị tai nạn giao thông.
Ngoài ra, cũng có không ít người lợi dụng lòng tốt của người khác để thu lợi bất chính, tự vẽ ra những câu chuyện lâm li bi đát để mong cầu sự giúp đỡ. Khi sự việc vỡ lẽ, cộng đồng cảm thấy bị lừa và trở nên dè dặt hơn khi quyết định làm những điều tử tế.
Hành động hiến giác mạc của bé Hải An đã thắp lên ngọn lửa hướng thiện cho rất nhiều người. Số ca đăng ký hiến tạng tăng lên đột biến chính là minh chứng cho thấy: Những điều tử tế vẫn lẩn khuất trong trái tim mỗi chúng ta, chỉ cần một ngọn gió lành, ngọn lửa hướng thiện ấy sẽ bùng cháy và lan tỏa.
Đừng chỉ nói những điều tử tế. Hãy đứng lên và làm một việc tốt, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc, đáng sống hơn gấp nhiều lần.