Những năm gần đây, dư luận liên tục rúng động trước những vụ án thảm khốc, đau lòng.
Điều đáng suy ngẫm là ngay cả những kẻ gây án, khi bị bắt giữ và lấy lời khai, cũng không thể tin được rằng chính mình đã ra tay tàn nhẫn như vậy.
Đằng sau mỗi vụ án không chỉ là nỗi đau của nạn nhân, mà đôi khi, chính người phạm tội cũng là một nạn nhân – nạn nhân của những áp lực vô hình, của sự bế tắc không lối thoát.
![]() |
Ảnh: Minh hoạ. |
Tâm lý tội phạm học chỉ ra rằng, khi con người rơi vào bước đường cùng, khả năng suy xét và tự chủ sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Áp lực về tiền bạc, tình cảm, gia đình hay công việc có thể khiến một người dần mất đi sự tỉnh táo, để rồi khi cảm xúc dồn nén đến cực điểm, họ có thể hành động theo bản năng mà không màng đến hậu quả.
Nhiều vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhưng do thiếu sự kiểm soát cảm xúc, nó đã bị đẩy lên thành bi kịch.
Thực tế, có không ít trường hợp, người phạm tội trước đó vốn là người bình thường, thậm chí có địa vị trong xã hội.
Nhưng khi bị dồn vào ngõ cụt , tuyệt vọng hay tổn thương quá lớn, họ mất kiểm soát và lựa chọn những hành động cực đoan mà có lẽ trước đó chưa từng nghĩ tới.
Nhìn nhận một cách nhân văn, nhiều thảm kịch hoàn toàn có thể tránh được nếu xã hội có thêm sự thấu hiểu và chia sẻ.
Đôi khi, một lời nói, một hành động nhỏ cũng có thể trở thành “lối thoát” giúp ai đó thoát khỏi sự bế tắc. Không phải ngẫu nhiên mà có câu: “Lùi một bước biển rộng trời cao”.
Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc khó khăn, cũng có những khoảnh khắc muốn buông xuôi.
Nhưng nếu chúng ta biết cách lắng nghe, biết cách cho người khác (và cả chính mình) một cơ hội, có thể nhiều bi kịch sẽ không xảy ra.
Thay vì dồn ép nhau đến tận cùng, hãy học cách bao dung, tha thứ và tìm giải pháp tốt hơn.