Thị trường Trung Quốc nói chung, Quảng Đông nói riêng đã có những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu. Do vậy, để khai thác tốt hơn thị trường này doanh nghiệp nông sản, thực phẩm trong nước cần đầu tư bài bản cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và khai thác thương mại điện tử.
Với quy mô số khoảng 120 triệu dân, năm 2020, GDP đạt khoảng 1.600 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 1.100 tỷ USD, Quảng Đông là địa phương đi đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế, thương mại và mở cửa. Quảng Đông tập trung nhiều ngành hàng chế biến, chế tạo như: Dệt may, giày dép, gốm sứ… và nổi bật nhất là điện tử viễn thông với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn.
Năm 2020, thương mại hai chiều Việt Nam- Quảng Đông đạt 41 tỷ USD, chiếm 20 - 21% trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21 tỷ USD, nhập khẩu 19 tỷ USD. Trong nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Quảng Đông, linh kiện điện tử và điện thoại di động chiếm giá trị lớn nhất với 10,5 tỷ USD, tiếp đến thủy sản 300 triệu USD, trái cây chủ yếu là thanh long 183 triệu USD, gạo 160 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Quảng Đông với giá trị 450.000 USD, trà 30.000 USD, tiêu, ớt 1,4 triệu USD, thực phẩm chế biến 60 triệu USD.
|
Xe hàng chờ thông quan qua Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Đông) 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Phú - Lãnh sự Thương vụ, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu- cho hay: Do vị trí địa lý và khí hậu, sản phẩm nhiệt đới, á nhiệt đới của Quảng Đông khá phong phú, sản lượng lớn nhưng không có nghĩa nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam không có cơ hội.
Thực tế, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn nhất của Việt Nam. Mới đây, tại buổi giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), số lượng đặt mua của các nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu khá lớn, trung bình mỗi công ty tại Quảng Châu cần mua từ 4-5 container thủy sản mỗi tuần.
Để mở rộng xuất khẩu, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc nhằm tìm đầu ra cho nông sản, thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Phú, sự nỗ lực này là chưa đủ, cần có sự tham gia của hiệp hội ngành hàng và không chỉ xúc tiến trong nước mà còn cần hoạt động vượt ra ngoài biên giới. Trong giao thương, doanh nghiệp Trung Quốc chủ động đến cửa khẩu biên giới, thành lập hiệp hội, đi vào vùng sản xuất của Việt Nam để mua hàng hóa. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam là bên bán lại chưa đạt được các đại diện, chưa tiến sâu được vào những trung tâm giao dịch lớn của Trung Quốc để xúc tiến. Do vậy, các hiệp hội, nhất là hiệp hội liên quan đến rau, quả, nông sản, thủy sản… cần hoạt động xúc tiến thương mại sâu hơn nữa, ngay tại thị trường Trung Quốc chứ không chỉ qua biên giới như hiện nay.
Đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cũng lưu ý: Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm vào Trung Quốc nhưng hoạt động quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Muốn xuất khẩu bền vững cần tháo gỡ vấn đề này. Doanh nghiệp không nên chỉ nghĩ đến việc giao hàng xong mà cần quan tâm đến sản phẩm được sử dụng ra sao, có dán mác hàng Việt Nam không.
Ngoài ra, tại Trung Quốc thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, các cơ quan xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần khai thác thêm yếu tố này trong quảng bá và thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Quảng Đông.
(Nguồn:https://congthuong.vn/khai-thac-thi-truong-quang-dong-trung-quoc-xuc-tien-thuong-mai-la-chua-du-164509.html)