HoREA cho hay, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ.
Tin nên đọc
Agribank nắm 2,55% vốn LienVietPostBank, bán gần 46 nghìn tỷ nợ xấu cho VAMC
Giải quyết cảnh “được mùa mất giá”: Bắt đầu từ chất lượng và “đầu ra” cho nông sản
Nữ công nhân môi trường nhắc đổ rác đúng chỗ, bị đánh bất tỉnh
Chi Pu, Diễm My 9X, Châu Bùi - những đoá hoa mùa hạ của Adrian Anh Tuấn
|
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm tới, nợ xấu có thể phát sinh thêm 350.000 tỷ đồng khiến tổng nợ xấu lên đến 600.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa) |
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý một số nội dung trong “Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” (Nghị quyết này có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV này).
Nợ xấu có thể phát sinh thêm 350.000 tỷ đồng trong 5 năm tới
Trong văn bản, HoREA trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã trên 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ.
Tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu thì chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.
Dù áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm con số này vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 16%/năm, trong 5 năm tới, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phát sinh thêm khoảng 350.000 tỷ đồng nợ xấu, tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.
Hiệp hội trình bày rõ, nợ xấu bao gồm cả hơn 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án BĐS "trùm mền" (riêng TP HCM đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai). Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, dự án BĐS, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai.
Những góp ý về Nghị quyết xử lý nợ xấu
HoREA cơ bản nhất trí với các nội dung của Nghị quyết, có góp ý thêm một số nội dung. Trong đó, tại điều 2 - đối tượng áp dụng, Hiệp hội đề nghị bổ sung khoản "3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong các dự án bất BĐS là tài sản bảo đảm".
Tại điều 3 - nguyên tắc xử lý nợ xấu, mệnh đề mở đầu: "Tổ chức mua bán xử lý nợ xấu tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:" được đề nghị bỏ vì "nguyên tắc xử lý nợ xấu" không chỉ áp dụng cho "tổ chức mua bán xử lý nợ xấu" mà áp dụng cho mọi chủ thể có liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu.
Ngoài 4 nguyên tắc xử lý nợ xấu của dự thảo, HoREA đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc: "5. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đi vay, người bảo lãnh vay, người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng".
Trong hai phương án được nêu trong điều 4 - nợ xấu, Hiệp hội tán thành phương án 1: "Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ".
Đặc biệt, đơn vị này rất tán đồng nội dung điều 10 - xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS.
Theo đó, “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi: dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật, kể cả trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện của bên nhận chuyển nhượng theo quy định pháp luật về kinh doanh BĐS; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng”.
HoREA đã nhiều lần đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS cho phép chuyển nhượng dự án như nội dung điều 10 nói trên để giải quyết tình trạng nhiều dự án BĐS bị ngừng triển khai hiện nay. Việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án phải được coi là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau.