Hiện nay trên cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang hoạt động. Tuy nhiên, theo Nghị định 15/2018 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 01/07/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Như vậy nhiều người lo ngại, rất nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ bị đóng cửa sau ngày 1/7/2019.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để hiểu rõ hơn về quy định này.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. |
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và việc áp dụng Nghị định 15/2018 của Chính phủ về quy định bắt buộc các cơ sở này phải có chứng nhận đạt chuẩn GMP?
Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay chúng ta đang có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực chức năng. Nếu áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt chuẩn GMP thì ước tính chỉ có khoảng 300 cơ sở đáp ứng được.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu áp dụng tiêu chuẩn trên thì các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng sẽ giảm, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm chức năng. Nhưng tôi có thể khẳng định chúng ta sẽ không lo thiếu thực phẩm chức năng. Chúng ta chỉ thiếu thực phẩm chức năng tốt, còn thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng sẽ phải loạt bớt đi, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Những cơ sở đạt chuẩn GMP thì công suất sản xuất sẽ rất lớn, do đó, những sản phẩm còn đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ được được vào các cơ sở đạt chuẩn GMP để tiếp tục sản xuất.
Từ đó, số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng tốt sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ và đảm bảo.
- Để một cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt chuẩn GMP, doanh nghiệp đó cần những yếu tố gì, thưa ông?
Để được công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP, một nhà máy phải đáp ứng được đầy đủ 3 yếu tố. Đầu tiên phải nói đến cơ sở vật chất, từ nhà xưởng đến hệ thống thông khí,… phải cách biệt với môi trường xung quang, tránh bị ô nhiễm.
Yếu tố con người cũng đặc biệt được chú trọng, nếu như trước đây chủ cơ sở hoặc người trực tiếp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe không cần phải có kiến thức về y dược, dinh dưỡng… Quy định nhà máy đạt chuẩn GMP đưa ra nêu rõ” “Cán bộ phụ trách về sản xuất hoặc chủ doanh nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên đối với lĩnh vực chuyên ngành mà mình đang sản xuất”.
Nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP của Công ty Dược phẩm Gia Nguyễn. |
Cuối cùng là việc quản lí hồ sơ, sổ sách theo dõi, ghi chép về đầu vào nguyên liệu, đầu ra của sản phẩm để kiểm soát một cách chặt chẽ hơn. Cùng với đó, hệ thống kiểm nghiệm, gồm kiểm nghiệm về nguyên liệu, kiểm nghiệm về thành phẩm để sản phẩm cuối cùng phải đạt chất lượng cao nhất.
- Với số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe lớn như vậy, việc thẩm định đối với các nhà máy đạt chuẩn GMP sẽ được thực hiện như thế nào?
Hiện nay chúng ta đang có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng số lượng cơ sở đủ điều kiện đạt chuẩn GMP chỉ khoảng 200 - 300 cơ sở.
Từ nay đến ngày 01/07/2019, sẽ có nhiều cơ sở trong số 300 đã đạt tiêu chuẩn nhà máy GMP. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải thẩm định kỹ, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định, đánh giá và hướng dẫn các cơ sở khắc phục những tiêu chí chưa đạt yêu cầu.
Không chỉ cục An toàn thực phẩm tổ chức thẩm định mà chúng tôi cũng sẽ tập huấn và giao cho các đơn vị địa phương có doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng đóng trên địa bàn tổ chức thẩm định. Ngoài ra, cũng cần mời thêm các Hiệp hội tham gia vào quá trình thẩm định các cơ sở để đạt chất lượng tốt nhất.
Trên cơ sở đó, theo Nghị định số 15 của Chính phủ cơ quan quản lý sẽ căn cứ kết quả thẩm định mà quyết định cấp hay không cấp chứng nhận GMP cho cơ sở sản xuất.
- Theo ông, thị trường thực phẩm chức năng sẽ thay đổi như thế nào sau ngày 01/07/2019?
Đối với chúng tôi, Cơ quan quản lý sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục một cách thuận lợi nhất.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là các doanh nghiệp, cần phải tập trung nguồn lực và chấp hành tốt các quy định của Nhà nước để đáp ứng các điều kiện cơ bản nhất của cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Từ nay đến ngày 01/07/2019, các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhật đạt tiêu chuẩn GMP chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm chất lượng tốt. Chúng ta hy vọng với tiến độ và lộ trình như vậy, đến tháng 7/2019, chất lượng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ được quản lí và kiểm soát một cách tốt nhất. Những người dân sẽ được sử dụng chính những sản phẩm đảm bảo và có chất lượng.
- Xin cảm ơn ông!
Tags: