Ngày 7/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Mai Sơn cho biết, trên cả nước, tổng số cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bị đưa vào diện rà soát nghĩa vụ thuế là 76.428 người. Trong đó hơn 30 nghìn người bị xử lý về nghĩa vụ nộp thuế, tổng số tiền truy thu, xử phạt khoảng 1.223 tỷ đồng.
Theo quy định của pháp luật, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu phát sinh hoạt động kinh doanh có nghĩa vụ thuế thì phải tự khai, tự nộp và chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Mai Sơn cho biết, cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; có các giải pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có, để đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các hoạt động của người nộp thuế.
Cơ quan thuế cũng xây dựng cổng thông tin điện tử để cá nhân kê khai nộp thuế. Kết nối chia sẻ dữ liệu từ các bộ ngành, sàn bán hàng online để có đủ cơ sở dữ liệu của người nộp thuế.
“Hiện cả nước đưa cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vào diện rà soát có tổng số 76.428 cá nhân. Qua rà soát kiểm tra, hơn 30.019 cá nhân bị xử lý do có sai phạm, truy thu xử phạt là 1.225 tỷ đồng. Các sàn TMĐT lớn như Sendo, Lazada, Shopee, Tikok… chúng tôi đều đã có số liệu để kiểm soát thuế, các số liệu để đối chiếu, xử lý vi phạm nếu có”, ông Mai Sơn cho hay.
|
Bán hàng online cũng phải nộp thuế đầy đủ theo quy định |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Các tổ chức, cá nhân không phân biệt người nổi tiếng hay không, nếu phát sinh nghĩa vụ thuế theo các sắc thuế thì có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
“Cơ quan chức năng có dữ liệu lớn, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Rất mong người nộp thuế ý thức được nghĩa vụ của mình, đừng để vô ý vi phạm rồi bị phạt nặng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khuyến cáo.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.
Năm ngoái, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với 2023.
Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... giữ khoảng 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.