Tuần đầu thực hiện thu phí (21/11-27/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy trên 1.400 chuyến, phục vụ hơn 110.000 người, bình quân ngày khoảng 16.000 khách.
Trước đó, khi vận hành 15 ngày miễn phí, mỗi ngày tàu vận chuyển bình quân trên 25.000 khách, theo Hà Nội Metro (Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội).
Tổng giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, sau bảy ngày thu tiền vé, số người đi trải nghiệm đã giảm, thay vào đó là người đi làm việc thường xuyên. "Tỷ lệ người sử dụng vé tháng đã tăng từ 10% những ngày đầu lên 20%, có thể tiếp tục tăng những ngày tới", ông Trường nói và cho biết Hanoi Metro sẽ bố trí thêm điểm gửi xe máy và tăng kết nối với các tuyến xe buýt.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, tỷ lệ khách đi vé tháng mới đạt 20% là thấp. Ở Nhật, tỷ lệ sử dụng vé tháng thường lên đến 70% vì đây là phương tiện chính cho những người đi học, đi làm. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch, tại Hà Nội, sinh viên chưa đi học, người lao động chưa đi làm thường xuyên.
Tổng lượng khách bình quân mỗi ngày trên 16.000 là cao so với xe buýt. "Không có tuyến xe buýt nào mỗi ngày đạt được con số này, cho thấy sức chở lớn của tàu điện rất cao, là phương tiện chở khách công cộng hiệu quả", ông Bình nói và cho rằng "con số qua mới một tuần chưa thể đánh giá đúng, sau vài tháng sẽ chính xác hơn".
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Nghiêm Quốc Thắng cho hay tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đi vào hoạt động được một vài tuần nên chưa thể đánh giá hiệu quả.
"Đây là loại hình vận tải mua thói quen đi lại của người dân nên cần thời gian. Hà Nội đã phải mất 10 năm để người dân có thói quen đi xe buýt như hiện nay", ông Thắng nêu.
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, trong 15 ngày đầu miễn phí, lượng khách có thể đông, khi thu phí, số lượng khách sẽ dần dần thực chất hơn. Đường sắt đô thị là loại hình giao thông ưu việt, chắc chắc sẽ được người dân thủ đô lựa chọn.
Thành phố nên sớm đẩy nhanh và đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị khác để tạo sự kết nối, đồng bộ giữa các tuyến như đoạn Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn trên cao cuối năm 2022.
Trước đó ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho Hà Nội quản lý. Thành phố đã cho vận hành thương mại ngay sau khi tiếp nhận bàn giao và miễn phí 15 ngày đầu cho toàn bộ hành khách.
Từ ngày 21/11 hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải mua vé lượt từ 8.000 đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng và vé tháng 200.000 đồng. Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ.
(Link gốc: https://vnexpress.net/duong-sat-cat-linh-ha-dong-sau-1-tuan-thu-phi-4395718.html)
Tags: