Trung thu vừa qua, tại đường sách TP HCM đã diễn ra một đêm hội trăng rằm dành cho hàng trăm em nhỏ tại các mái ấm.
Các em đã có một đêm Trung thu tuổi thơ thật vui với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong lòng những người có mặt là sau khi kết thúc chương trình, nhiều em nhỏ đã ở lại cùng Ban tổ chức thu nhặt rác bị bỏ lại.
|
Trẻ em nán lại nhặt rác và thu dọn ghế ngồi sau sự kiện. Hình ảnh này được ban quản lý Đường sách lưu giữ lại. |
Thời gian gần đây, trong những trận bóng Việt Nam đá với các nước trong khu vực, hình ảnh rất dễ thương đã nhiều lần diễn ra, đó là các cổ động viên Việt nán lại sân vận động để nhặt rác trên các chỗ ngồi, lối đi.
Thực ra, với các nước phát triển, những hình ảnh nói trên không quá lạ lẫm, nhưng tại Việt Nam, đã bao năm vấn đề ý thức, văn minh dường như bị “bỏ quên”, khiến số đông thường có những hành động “xấu xí” trước cộng đồng: xả rác bừa bãi, giành giật chen lấn nơi công cộng, ăn cắp vặt...
Nhưng thay đổi nhỏ trong ý thức đang bắt đầu diễn ra, từ việc thế giới “phẳng” hơn, sự quốc tế hoá khiến cho người ta đang có sự nhìn nhận và tự đổi thay. Nhiều bậc phụ huynh đã biết dạy con sự tự lập, tự lo cho bản thân và tuân thủ các quy định khi đến nơi công cộng. Trên xe bus, việc nhường chỗ cho người già và phụ nữ có thai cũng đã thành một thói quen đầy văn minh.
Nhưng giờ đây, người ta đang nói nhiều đến những “anh hùng bàn phím”, những người thích chửi bởi cũng như làm người tốt trên... mạng xã hội. Đó là những con người luôn đầy rẫy những bức xúc, dùng mạng xã hội làm công cụ để trút giận bằng chỉ trích và chửi bới.
Đó cũng là những người thường xuyên lên mạng kêu gọi làm việc tốt, chia sẻ những số phận khốn khó, nói những lời hay ý đẹp, nhưng trong cuộc sống thực lại thờ ơ, vô cảm hoặc hành động ngược lại với lời nói của mình. Một đoạn phim từ chương trình camera giấu kín khá nổi tiếng thời gian qua, ghi lại sự việc một nhóm thanh niên tụ tập ở công viên sinh hoạt tập thể, kêu gọi lòng yêu nước, nhiệt huyết cống hiến cho xã hội, với nhiều ý tưởng lớn lao, nhưng lại hoàn toàn quay lưng, bỏ mặc lời kêu cứu của cô gái ăn xin bị giang hồ trấn lột tiền đang diễn ra trước mắt.
Xã hội không thể tốt đẹp hơn bằng những lời bức xúc, giận dữ, những cuộc tấn công lẫn nhau trên mạng xã hội. Cuộc sống cũng không thể tích cực hơn khi người ta đem hình ảnh những người khó khăn, tàn tật ra câu like thương cảm, hay chia sẻ những lời đao to búa lớn nhưng sáo rỗng. Cuộc sống chỉ có thể tốt hơn, đẹp hơn và tích cực hơn từ những hành động nhỏ, giản dị trong cuộc sống thực, trong thực tại hàng ngày mà thôi.