Không đồng tình với việc chính quyền địa phương ban hành quyết định bồi thường, tái định cư trước quyết định thu hồi đất, 17 hộ dân là những người đầu tiên đến lập nghiệp tại chợ Cây Dương liên tục khiếu nại. Hơn chục năm trôi qua, dự án không thấy triển khai, một số cán bộ huyện vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ, khởi tố và chuẩn bị hầu tòa; nhưng khiếu nại của người dân đến nay vẫn chưa được giải quyết...
 |
Khung cảnh hoang tàn hiện tại của khu chợ Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). |
Nguồn gốc của chợ Cây Dương
Địa danh Cây Dương có từ lâu ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), tương truyền rằng, trên đường lộ cặp bờ sông Lái Hiếu có một ngã tư. Tại ngã tư có 4 cây dương cổ thụ nhưng đều đã bị bom đạn chiến tranh thiêu rụi, nên giờ chỉ còn là xuất hiện trên địa danh.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, vùng lõi Chiến khu R hồi sinh, ngã tư Cây Dương được các thương hồ (ghe buôn bán trên sông, rạch) chọn làm nơi hội tụ để trao đổi hàng hóa như một chợ nổi.
Năm 1982, cố Bí thư xã Hiệp Hưng khi đó là ông Trần Danh đã có một bước “đột phá” về tư duy phát triển kinh tế địa phương rất táo bạo, đó là cho chủ trương thành lập chợ Cây Dương. Dám nghĩ, dám làm, ông Danh khoanh một diện tích đất dọc theo bờ sông Lái Hiếu, lấy ngã tư Cây Dương là trung tâm. Trên diện tích ấy, ông Danh cho phân lô nền, mỗi lô có chiều ngang 4 mét mặt lộ, chiều dài đến bờ sông. Ông Danh ưu tiên bán lô nền cho những ai đến lập nghiệp và phục vụ cộng đồng dân cư xã Hiệp Hưng. Thời điểm năm 1982, mỗi hộ dân mua đất nộp cho xã 1 triệu đồng mỗi lô, sau đó dựng nhà, sinh sống quần tụ làm nên xóm chợ Cây Dương. Đến năm 1992, các hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời.
Bác sĩ Đoàn Văn Luận (ngụ tại ấp Mỹ Qưới, Thị trấn Cây Dương) nhớ lại: “Thời điểm năm 1982, tôi lúc ấy là y tá, nghe thông tin Bí thư xã Hiệp Hưng “chiêu hiền đãi sĩ” để phát triển địa phương nên tôi đến đăng ký mua 1 nền, giấy mua bán được UBND xã ký tại thời điểm đó, nhưng đến năm 1992 mới được huyện Phụng Hiệp cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất tạm thời. Tôi chuyển về đây sinh sống và được bố trí làm y tá tại Trạm y tế xã Hiệp Hưng. Tôi lập gia đình và sinh sống từ ngày đó đến nay tại chợ Cây Dương”.
 |
Phòng khám của bác sỹ Luận- một trong 17 hộ dân đầu tiên sinh sống tại chợ Cây Dương. |
Ông Nguyễn Văn Bùi (SN 1963, ngụ tại ấp 3, phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy) thì cho biết, ông lập gia đình xong thì đến xã Hiệp Hưng mua 2 nền, kinh doanh lập nghiệp tại đây. “Tôi mua 2 nền, mỗi nền 1 triệu đồng, UBND xã xác nhận mua bán, ngày 8/4/1992, UBND huyện Phụng Hiệp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời cho tôi”.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (SN 1960, nguyên cán bộ UBND xã Hiệp Hưng cũ) cũng là một trong 17 hộ dân đầu tiên khu chợ Cây Dương, thuật lại lịch sử hình thành khu chợ như sau: “Sau khi các hộ dân cùng với thương hồ tụ lại buôn bán, hình hài một cái chợ dần xuất hiện. Bí thư Trần Danh chỉ đạo cho tôi xây dựng nhà lồng (trung tâm) chợ. Tôi phác thảo xong bản vẽ, để thu hút thương hồ và bà con khu lân cận đến, chúng tôi (17 hộ dân- PV) góp tiền để mướn gánh hát diễn ca tuồng cổ cho bà con xem. Từ những vở tuồng Lưu Bình - Dương Lễ, Đời cô Lựu... đã níu chân thương hồ, những người tha hương quần tụ lại buôn bán làm ăn, chẳng mấy bữa mà chật kín nhà lồng chợ. Ngày đó Bí thư Danh gợi ý: ‘Chợ Cây Dương mà không có cây dương nào à? Các đồng chí phải trồng lại 4 cây dương để nhớ lại địa danh hào hùng Ngã tư Cây Dương này chớ’. Thấy Bí thư nói đúng quá, anh em chúng tôi đã bắt tay vào trồng cây ngay sau đó”.
 |
Chỉ còn lại trơ trọi 3 trong 4 gốc cây dương (được trồng từ những năm 1982) sau khi bị chặt, đốt để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. |
Những khuất tất trong trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, tái định cư làm dự án
Trở lại câu chuyện khiếu nại của 17 hộ dân chợ Cây Dương, như đã nói trên, họ đến mua đất của UBND xã Hiệp Hưng từ năm 1982, dọn đến xây nhà, làm ăn sinh sống đến năm 1992 thì được UBND huyện Phụng Hiệp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời trong 15 năm. Vì sao người dân chỉ được Giấy chứng nhận tạm thời, ông Nguyễn Thanh Liêm (nguyên cán bộ UBND xã Hiệp Hưng cũ) giải thích là do đặc điểm lịch sử giai đoạn đó như vậy, ban đầu chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời trong 15 năm, sau đó mới được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chính thức thời hạn cũng là 15 năm.
 |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời cấp cho một hộ dân. |
Nội dung này được thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất tạm thời có ghi rõ: Trong thời gian tạm cấp, Hội đồng xét duyệt sẽ tiến hành xét cấp giấy chính thức 15 năm, khi giấy tạm cấp hết hiệu lực. Trong thời gian tạm cấp, người dân được chính quyền công nhận và bảo vệ quyền sở hữu.
Tuy nhiên, đến năm 2007, hết thời hạn tạm cấp, 17 hộ dân chợ Cây Dương không được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất chính thức vì khi đó khu vực chợ Cây Dương được quy hoạch dự án xây dựng bờ kè sông Lái Hiếu.
Ông Nguyễn Văn Phát (cư dân chợ Cây Dương) trình bày, khoảng năm 2010, Nhà nước có dự án xây dựng bờ kè sông Lái Hiếu. Bờ kè dài khoảng 2km, chủ đầu tư là ai thì người dân không được thông tin. Cuối tháng 12/2011, các hộ dân nhận được Quyết định số 9880/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 do ông Trần Văn Thắng Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp ký, về việc Phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư xây dựng bờ kè sông Lái Hiếu. Theo đó, các hộ dân khu chợ Cây Dương bị thu hồi toàn bộ diện tích đất đang ở để thực hiện dự án, địa phương bố trí cho họ tái định cư ở một khu đất hẻo lánh hơn, cách chợ vài cây số; ngoài ra người dân còn được bồi thường về tiền đối với một số hạng mục nhưng mức giá cũng không thoả đáng.
Điều này khiến các hộ dân không đồng tình, có đơn khiếu nại đề nghị được giải quyết bố trí tái định cư tại chỗ, cụ thể là tại phần diện tích đất gần khu chợ Cây Dương. Tuy nhiên, theo các hộ dân được biết thì khu đất đó địa phương đã cấp dự án cho một doanh nghiệp để xây trung tâm thương mại và xây nhà ở để bán; nên mới bố trí tái định cư cho cư dân đến khu đất xa xôi, hẻo lánh, đi ngược với chính sách nhân văn của Nhà nước về "nơi tái định cư phải ngang bằng hoặc tốt hơn nơi ở hiện tại".
 |
|
Gần một năm sau khi có Quyết định bồi thường, tái định cư, giữa tháng 9/2012, người dân nhận được văn bản do ông Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Thắng ký, đó là Quyết định 4605/QĐ-UBND ngày 11/9/2012 về việc thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng bờ kè sông Lái Hiếu. Nhận thấy việc ban hành quyết định bồi thường, tái định cư có trước khi ban hành hành quyết định thu hồi đất là không đúng trình tự thủ tục, trái pháp luật, các hộ dân đồng loạt khiếu nại nhưng không được giải quyết, việc khiếu nại kéo dài cho đến nay.
Theo quan sát và ghi nhận của PV, sau hơn 10 năm, dự án bờ kè sông Lái Hiếu đoạn qua trung tâm thị trấn Cây Dương vẫn dậm chân tại chỗ, các hộ dân vẫn sinh sống tại đây trong khung cảnh tiêu điều.
Theo tìm hiểu của PV, trong một diễn biến khác, cùng thời gian những quyết định ông Trần Văn Thắng ban hành, thì Công ty CP Cadico (trụ sở tại TP Cần Thơ) đã có một dự án trung tâm thương mại và nhà ở ngay tại chợ Cây Dương. Ông Nguyễn Thanh Liêm kể lại: “Việc thi công đầu tiên của Công ty Cadico là đốt bỏ 4 cây dương mà Bí thư Trần Danh đã chỉ đạo chúng tôi trồng hơn 40 năm trước, sự việc này diễn ra ngay trước mắt khiến chúng tôi rất đau xót...Đó cũng là nguyên nhân người dân ròng rã lên tỉnh xuống huyện gửi đơn khiếu nại hơn chục năm nay, dù không có câu trả lời. ”
Người dân khiếu nại ròng rã hơn 10 năm, bao giờ mới đươc giải quyết?
Được biết, để có căn cứ trả lời đơn khiếu nại của các hộ dân chợ Cây Dương, gần đây nhất là ngày 18/10/2024 HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Công văn số 149/TT-TTDN gửi UBND tỉnh Hậu Giang, nội dung như sau: “Thừa lệnh Chủ tịch HĐND tỉnh (hiện đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh- PV), Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chuyển nội dung đơn của 16 hộ dân xem xét, chỉ đạo giải quyết và có thông tin kết quả đến Thường trực HĐND tỉnh chậm nhất ngày 31/10/2024”. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết đến nay họ vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết khiếu nại.
Để có căn cứ trả lời đơn thư bạn đọc, ngày 13/3/2025, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Hồng Quân (Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Hậu Giang, người ký Công văn 149/TT-TTDN) để hỏi về tiến trình giải quyết, trả lời khiếu nại của các hộ dân tại chợ Cây Dương, ông Quân cho biết: “Tại thời điểm này, UBND chưa có báo cáo gì theo thẩm quyền của mình gửi cho HĐND tỉnh”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc Dự án bờ kè sông Lái Hiếu đoạn qua trung tâm Thị trấn Cây Dương hiện nay đã được thanh, quyết toán hay chưa thì được biết, ông Nguyễn Thanh Diện (Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Phụng Hiệp), ông Trần Không Dận (Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, người kế nhiệm ông Trần Văn Thắng) đều đã bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi sai phạm và hiện đang chờ hầu tòa...
Vậy hành vi vi phạm pháp luật hình sự của các cán bộ huyện Phụng Hiệp có mối liên hệ như thế nào với những sai phạm tại Dự án bờ kè sông Lái Hiếu đoạn qua trung tâm Thị trấn Cây Dương khiến các hộ dân chợ Cây Dương điêu đứng, đội đơn khiếu nại ròng rã hàng chục năm qua? Và với thực tế như hiện nay: dự án không triển khai, cư dân phải sống trong khung cảnh hoang tàn không thể làm ăn, buôn bán, tuy người sai phạm đã bị bắt giam nhưng đến bao giờ quyền lợi chính đáng của người dân được giải quyết thoả đáng vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ? Những nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết sau.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.