Đó là tình trạng thực tế mà đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hậu Giang (Đoàn giám sát) do ông Nguyễn Hữu Tình - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang về việc giám sát đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình nước sạch trên địa bàn.
|
Các đường ống dẫn nước bị gỉ sét. |
Qua buổi khảo sát thực tế tại 7 trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn 2 huyện: Phụng Hiệp và Vị Thủy, Đoàn giám sát cho rằng: “Bên cạnh một số trạm cấp nước được đầu tư mới đã phát huy hiệu quả thì các trạm cấp nước mini được đầu tư trước đây đã xuống cấp, không đảm bảo quá trình cung cấp nước sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân.
Vấn đề khó khăn hiện nay đối với các đơn vị cung cấp nước sạch là nguồn vốn đầu tư cho các công trình, cần 70 - 80 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 20 trạm cấp nước tập trung. Như vậy mới giải quyết vấn đề nước sạch cho khu vực nông thôn”.
Ngoài ra, đối với các đơn vị này cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí, đất đai để tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp các nhà máy và các trạm cấp nước đã hết công suất. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Tình - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các đơn vị cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đoàn sẽ tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh để sớm đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Từ năm 2012 đến tháng 7 năm 2016, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Hậu Giang đã đầu tư cải tạo và mở rộng mạng lưới cấp nước, với chiều dài 139.052m ống các loại, cung cấp nước cho thêm khoảng 14.268 hộ khách hàng, nâng tổng số đến nay lên 41.268 khách hàng.
Hiện các Cty đang quản lý 10 nhà máy và các trạm cấp nước, với tổng công suất là 23.300m3/ngày đêm. Tuy nhiên, các nhà máy nước hiện nay đang hoạt động đều vượt công suất thiết kế. Dự kiến trong năm 2016, mạng lưới đường ống phủ kín khoảng 92 - 93% các khu vực, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cấp nước.
Riêng Cty CP Cấp thoát nước Hậu Giang, trong 199 trạm cấp nước tập trung mà đơn vị đang quản lý thì chỉ có 29 trạm đang hoạt động ổn định và có tính bền vững; còn lại 170 trạm cấp nước mini công suất 4 - 6m3 đang trong tình trạng xuống cấp, lạc hậu, chất lượng nước không ổn định.
Đặc biệt, có khoảng 60% số trạm này phải bù lỗ hàng tháng, tổng số hộ nông thôn sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung chỉ chiếm 23,8%, còn lại trên 70% chưa có nước máy sử dụng.