Hàng chục xác lợn chết đã thâm đen, tím tái bị một doanh nghiệp xuất khẩu lén lút đổ trộm trên địa bàn xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng rạng sáng 9.4. Tuy nhiên, chưa đầy nửa ngày sau, những xác lợn này đều lần lượt biến mất.
Sáng 12.4, thông tin đến Báo Lao Động, ông Quản Văn Hùng - Chủ tịch xã Khánh Xuân - cho biết, ngày 9.4, một doanh nghiệp xuất khẩu lợn đã lợi dụng đêm tối đổ trộm trên địa bàn xã hàng chục xác lợn chết.
Số lượng tuy không thống kê cụ thể được bao nhiêu, nhưng thông qua những khảo sát bước đầu, ông Hùng ước lượng có khoảng 50 con. Điều đáng nói ở chỗ, không lâu sau khi nhận được tin báo, vị chủ tịch xã đã trực tiếp đến hiện trường thì thấy bãi đất trống đã trở lại nguyên trạng như ban đầu, tức là chẳng còn xác lợn nào.
|
Hàng chục xác lợn chết bị đổ trộm trên địa bàn xã Khánh Xuân, Bảo Lạc, Cao Bằng. |
Ông Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên ở địa phương xuất hiện tình trạng trên. Nhưng xét trên bình diện rộng, lại không phải quá bất ngờ, bởi Cao Bằng là một trong những cửa ngõ chính xuất khẩu lợn sang Trung Quốc.
Do đó, trong quá trình vận chuyển, những con lợn không đủ tiêu chuẩn đều bị buộc phải quay trở lại nội địa. Theo quy định, những con bị chết buộc phải đem tiêu hủy theo đúng trình tự. “Đáng lo là hàng chục xác lợn này đã không được xử lý theo đúng quy định”, ông Hùng thừa nhận.
Chị Hà, người địa phương, cũng là người trực tiếp ghi lại những hình ảnh đầu tiên về “cuộc đổ bộ” của hàng chục xác lợn chết thuật lại với PV: “Khoảng 7h sáng 9.4, tôi có việc đi qua khu vực bản Diểm (xã Khánh Xuân) thì thấy tình trạng kinh khủng trên.
Các xác lợn nằm ngổn ngang, tím tái nhìn rất đáng sợ. Tuy nhiên, 14h chiều cùng ngày khi quay lại thì chẳng còn thấy xác lợn nào nữa rồi”.
Sau nhiều nỗ lực tìm hiểu, chị Hà đã phát hiện ra một sự thật rùng mình: “Phần lớn những xác lợn đều đã bị chính người dân địa phương chia nhau, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó cả việc bán ra thị trường và để ăn".
Cũng thông tin về vụ việc này, ông Nguyễn Ích Chánh - Chủ tịch huyện Bảo Lạc cho biết, ngay khi nhận được tin báo, ông đã cử các đơn vị chuyên môn gồm công an huyện, phòng tài nguyên môi trường... xuống hiện trường để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên cũng giống như những gì đã xảy đến ở cấp cơ sở, bãi đất đã chẳng còn gì để các đơn vị này ghi nhận.
"Huyện Bảo Lạc đường đi lối lại lại khó khăn, ít khi có xe chở lợn đi qua. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận hiện tượng này. Tiếc là khi chúng tôi nhận tin thì người dân đã đưa hết xác lợn đi rồi", ông Chánh nói.
Vậy, đâu là bản chất câu chuyện này? Để có được thông tin cụ thể hơn, mời quý độc giả đón đọc trên báo Lao Động, số 83 ra ngày mai, 13.4.2016.