![]() |
Khoảng 126.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2025 gồm 70 thành viên, do Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Vũ Thu Hà làm Trưởng ban; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương làm Phó Trưởng ban thường trực.
Ban Chỉ đạo có 15 Phó Trưởng ban là các Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, lãnh đạo Văn phòng UBND TP, Công an TP, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Thanh tra TP, Tổng Công ty Điện lực TP, Thành Đoàn.
45 ủy viên, 8 thư ký là lãnh đạo các Phòng, đơn vị thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, đại diện các sở, ban, ngành, TP Hà Nội.
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, hưởng thù lao theo quy định và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian làm nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo kể từ ngày ký quyết định đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Trưởng ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của UBND TP, các Phó Trưởng ban sử dụng con dấu của đơn vị để ban hành các văn bản liên quan theo lĩnh vực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 năm nay sẽ diễn ra vào ngày 26/7 - 27/7. Theo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước với khoảng 126.000 thí sinh, tăng khoảng 15.000 học sinh so với năm 2024.
So với các năm học trước, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 có nhiều khác biệt khi đây là năm tốt nghiệp của lứa thí sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thí sinh sẽ thi 4 môn thay vì 6 môn như trước, gồm hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn tự chọn trong số các môn đã học ở bậc Trung học phổ thông.
Đề thi trắc nghiệm có thêm hai định dạng đề mới là trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.
Các câu hỏi định hướng đánh giá năng lực thí sinh, gắn với các vấn đề thực tiễn.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh theo học chương trình cũ (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) có nhu cầu thi lại để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc lấy kết quả đăng ký xét tuyển đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai lịch thi, đề thi riêng cho hai nhóm.
Thí sinh làm 3 bài thi bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).