UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc và phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
![]() |
Ảnh minh hoạ/internet. |
Theo dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố, mục đích của kế hoạch nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả lộ trình chuyển đổi và phát triển năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 và UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6004/QĐ-UBND ngày 18/11/2024.
Phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi và phát triển năng lượng xanh đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, đảm bảo thiết thực, hiệu quả...
Theo nội dung "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Hà Nội", từ năm 2026, dự kiến Thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện; phấn đấu đến năm 2030, 100% xe buýt chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh là vấn đề Hà Nội đang rất quan tâm bởi tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ngày một nghiêm trọng. Thành phố đã ban hành đề án, thời gian tới, sẽ nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Trong thời gian tới sẽ không chỉ có xe buýt mà Thành phố sẽ hướng đến chuyển đổi tổng thể tất cả các phương tiện sang sử dụng năng lượng xanh, bao gồm cả taxi và phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy).
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, để khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh thì cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy, để tiến trình chuyển đổi được diễn ra nhanh hơn. Về vấn đề này, lãnh đạo Thành phố giao Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cũng giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát hoàn thiện lại kế hoạch chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh; phấn đấu chậm nhất là năm 2030, phải chuyển đổi 100% xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh. Kế hoạch có lộ trình cụ thể, rõ mục tiêu đặt ra cho từng năm.
Liên quan đến vấn đề hạ tầng phục vụ chuyển đổi năng lượng xanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, rà soát cùng với các địa phương đưa vào quy hoạch để xây dựng hệ thống trạm sạc. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội hiện có 153 tuyến; trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; 512/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4% tổng đơn vị hành chính cấp xã).
Đồng thời, đã kết nối với 7 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc). Số phương tiện xe buýt trợ giá là 1.903 xe với 282 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 143 xe buýt điện); còn trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
Tags: