Làng nghề trăm năm
Ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung và nghề sơn mài nói riêng, ngoài việc mang lại những giá trị kinh tế còn thể hiện cái cao đẹp của tâm hồn, cái phong phú thẩm mỹ của dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần rất cần được giữ gìn và phát triển hơn nữa. Và làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp là một địa chỉ văn hóa làng nghề điển hình.
Để cho ra đời một sản phẩm sơn mài chất lượng là cả một quá trình sáng tạo nghệ thuật công phu cộng với kinh nghiệm quý báu của các bậc nghệ nhân đúc kết qua bao năm tháng trong nghề. Nhiều công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt được như hom, sơn lót. Riêng với công đoạn sơn, mỗi sản phẩm sẽ phải mất từ 3 – 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, thợ tranh sơn mài, cho biết: “Sơn ta và sơn công nghiệp là hai loại khác nhau, sơn công nghiệp thì có thể cho ra một sản phẩm nhanh còn sơn ta làm lâu công hơn do thời tiết hoặc tuỳ theo hoạ tiết của bức tranh. Nhưng sơn ta là sơn truyền thống, có thể bền theo thời gian mãi mãi”.
Chính sự kỳ công trong sản xuất, tâm huyết trong sáng tạo, tỉ mỉ trong từng chi tiết đã tạo nên giá trị cao cho mỗi tác phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp và trở thành một sản phẩm văn hoá đáng trân trọng của dân tộc.
Thời điểm vàng son, làng Tương Bình Hiệp có đến gần 90% người dân làm nghề, sống bằng nghề sơn mài. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, làng nghề này bị mai một đến mức báo động về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Nguyên nhân chính là do người làm nghề giảm mạnh, hàng hoá bị cạnh tranh khắc nghiệt.
Bảo tồn
Trước muôn vàn khó khăn mà một làng nghề được xem là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu đang gặp phải, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài – Điêu khắc Bình Dương, chia sẻ: “Cũng hi vọng là cái đề án làm với tiến độ nhanh hơn để cho các doanh nghiệp và làng nghề có nơi sản xuất, cũng như là quảng bá du lịch. Quan trọng nhất là bảo tồn làng nghề sơn mài cũng như bảo tồn văn hoá phi vật thể mình đã được công nhận rồi”.
Đây chính là sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch. Đồng thời đây cũng là cơ hội giúp các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài có điều kiện vươn lên, cải thiện cuộc sống.
“Bảo tồn và duy trì dòng tranh này, tôi ước muốn là đào tạo ở các trường như ngày trước, những nghệ nhân và hoạ sĩ vẽ dòng tranh này ở Trường Mỹ thuật Bình Dương cũ, cái nôi của nghề sơn mài Bình Dương. Hiện tại học viên rất là ít, do đó phải kích thích tạo sự yêu thích của nghề sơn mài nói chung và tranh sơn mài nói riêng. Để cho giới trẻ thích tìm hiểu, xem như hàng sơn mài là một hàng đẳng cấp. Từ đó nâng giá trị của sản phẩm tranh sơn mài lên”. – Nghệ nhân ưu tú Trương Quang Tịnh, cơ sở Sơn Mài Định Hoà mong muốn.
Đến với Bình Dương, ngoài các địa điểm văn hóa - du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện là một điểm đến thú vị. “Hiện nay đang có nhiều khách trở lại, ngày nào cũng đó khách du lịch khách người nước ngoài đến thăm quan và mua sắm. Cái mẫu mã chất lượng thì càng ngày mình càng phát huy, mình làm nó phong phú đa sạng và chất lượng ngày một tốt hơn” – Chủ cơ sở Sơn Mài Tây Thi, cho hay.
“Tôi thì mỗi lần đi qua Bình Dương tôi đều ghé làng nghề Tương Bình Hiệp để mua những sản phẩm về tặng cho người thân trong gia đình. Sản phẩm ở đây từ mẫu mã đến màu sắc mang những đường nét riêng mà nhìn vào là người ta nhận ra đó là sản phẩm của sơn mài Tương Bình Hiệp” – Anh Quang Trung, khách hàng mua tại cửa hàng Sơn mài Tây Thi.
Du khách có thể tìm hiểu nghề sơn mài truyền thống và chọn mua một sản phẩm sơn mài làm quà lưu niệm - món quà vừa mang đậm nét văn hóa địa phương vừa có giá trị nghệ thuật cao.
Tags: