Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo tiêu biểu.
3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục
Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ, trực tiếp hỏi thăm, trao đổi với 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho toàn thể hơn 1,6 triệu nhà giáo trên toàn quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo có mặt tại đây ngày hôm nay và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho biết: "Chúng ta được hiểu, cảm thông hơn với nghề giáo. Đây là những ý kiến hay, ngắn gọn, làm gì nói lấy, thể hiện sự chân thành, mộc mạc - những yếu tố cốt lõi của ngành giáo dục".
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất xử lý theo thẩm quyền, nhất là về chế độ chính sách liên quan đến đời sống tinh thần, vật chất của các thầy cô giáo.
Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo đã trở thành tài sản quý báu của dân tộc, của mỗi con người Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và quan tâm đến giáo dục. Người từng nói: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà".
Để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lớn: Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là 3 trụ cột chính, quan trọng để phát triển giáo dục, để học sinh phát triển toàn diện.
Cần tiếp tục quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục giành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Tập trung nguồn lực hiện có và tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh của nhà trường.
Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức tương xứng với công sức của mình.
Tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các nhà giáo giảng dạy các ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, như của 60 thầy cô có mặt hôm nay để lan toả những điều tốt đẹp, tạo sức mạnh tổng hợp, xung lực mới cho sự phát triển đất nước. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, với các thầy cô giáo trong "sự nghiệp trồng người".
Thay mặt các nhà giáo tiêu biểu tại buổi gặp mặt và toàn thể đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cho biết, tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; Đặc biệt là những lưu ý về củng cố cơ sở vật chất, trường lớp, giữ gìn trường lớp học; Giáo dục thể chất; An sinh xã hội; Giáo dục đạo đức, kỹ năng; quán triệt phương châm "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực"…
Dịp này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính - người từng có thời gian công tác trong ngành Giáo dục.
Tâm tư của các nhà giáo
Tại cuộc gặp mặt, các nhà giáo đã chia sẻ những câu chuyện tâm huyết, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng tới Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ về sự tâm huyết, trách nhiệm của nhà giáo, cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ - người có 32 năm gắn bó với nghề cho rằng, dù là thời đại công nghệ 4.0, nhưng để để nâng cao chất lượng, người thầy phải cần tâm huyết, tận tụy hết lòng vì học sinh thân yêu.
"Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhân dân và xã hội. Các bậc phụ huynh nhìn nhận đầy đủ, tích cực, tránh làm tổn thương thầy cô. Chúng tôi cũng luôn mong các em học sinh được hạnh phúc đủ đầy, là con ngoan trò giỏi" - cô Mai bày tỏ.
Sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, cô Phạm Thị Tâm - giáo viên trường Mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã có hàng chục năm gắn bó với vùng khó khăn này. Không chỉ dạy dỗ, chăm sóc trẻ, cô còn có nhiều hoạt động giúp đỡ người dân nơi đây để có cuộc sống tốt hơn.
Chia sẻ về niềm tự hào, xúc động khi được có mặt trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng, cô Tâm ngậm ngùi: "Tuy chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, dù công việc còn nhiều khó khăn vất vả nhưng sẽ cố gắng nỗ lực hết mình để giúp đỡ học sinh và bà con vùng núi".
Cô Tâm hy vọng sẽ có cơ hội thể hiện hết năng lực của mình để cống hiến nhiều hơn cho ngành giáo dục, cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cô Tâm cũng đề nghị Nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các giáo viên và học sinh vùng cao cũng như các vùng đặc biệt khó khăn của Phú Yên và cả nước.
Là thầy giáo dạy môn học Mỹ thuật - một môn học đặc thù, thầy Phạm Văn Thuận, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng cho rằng, để môn nghệ thuật được phụ huynh, học sinh yêu quý, bản thân các thầy cô phải như người cha, người bạn, tâm sự với các trò, khơi dậy mong muốn, đam mê học môn này.
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, cả nước hiện có gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, có 456.155 giáo viên mầm non; 957.341 giáo viên phổ thông; 76.576 giảng viên Đại học; 83.959 giáo viên thuộc khối giáo dục nghề nghiệp.